Nâng cao thu nhập nhờ liên kết sản xuất
Xác định liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Krông Ana đã chủ động tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị nông sản mà mình làm ra.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Thăng Bình I (xã Quảng Điền) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chính là trồng cây lúa nước và quản lý khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn xã Quảng Điền. Hiện HTX có 22 thành viên chính thức và 700 thành viên liên kết, với tổng diện tích sản xuất là 653 ha (trong đó 534 ha lúa nước và 119 ha cà phê).
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thăng Bình I (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản. |
Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, HTX đã có những bước chuyển mình phù hợp với thị trường để xây dựng, phát triển thương hiệu lúa gạo, mang sản phẩm đến với nhiều khách hàng trên cả nước. Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Thăng Bình I Đoàn Công Bình cho hay, để phục vụ tốt cho sản xuất thì việc kết nối với các doanh nghiệp (DN) là hết sức quan trọng. HTX đã chủ động liên kết từ việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho sản xuất, đến việc ổn định tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các thành viên. Đơn cử như trong vụ Đông Xuân 2023, để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương, HTX đã lựa chọn và khoanh vùng sản xuất lúa theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với quy mô 40 ha gồm 40 hộ tham gia. Kết quả, năng suất thu hoạch 11 tấn/ha, tổng sản lượng đạt được 440 tấn. So với các hộ không tham gia vào liên kết thì trên mỗi ha lúa, bà con được hưởng lợi nhuận 8 triệu đồng/ha. Đồng thời, HTX liên kết với một số DN như Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Hà Nội), Công ty Xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp)… để bao tiêu các sản phẩm lúa do HTX làm ra. Nhờ vậy, thành viên liên kết với HTX ngày càng tin tưởng và tăng lên.
Hay như trường hợp của HTX Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp) kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và quản lý chợ Quỳnh Tân, với 105 thành viên chính thức và 263 thành viên liên kết. Nắm bắt xu hướng sản xuất cà phê bền vững, chất lượng cao, hạn chế sử dụng thuốc, phân bón hóa học, từ năm 2019, HTX đã đầu tư 600 triệu đồng mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng để sơ chế, chế biến ướt cà phê do HTX sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Năm 2022, 67 thành viên HTX thực hiện liên kết sản xuất cà phê bền vững đạt Chứng nhận Rainforest Alliance trên diện tích 97 ha, với sản lượng hơn 300 tấn cà phê tươi/năm. Toàn bộ sản phẩm này được các DN thu mua cao hơn giá thị trường 8.000–10.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân tham gia liên kết. Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Quỳnh Tân Nguyễn Viết Tốt cho hay, hiện HTX có hơn 250 ha cà phê, cho thu hoạch 700 tấn cà phê tươi/năm, bán với giá cao hơn thị trường từ 600 đồng/kg cà phê tươi trở lên. Nhờ vậy, thu nhập của xã viên tăng hơn so với khi chưa liên kết.
Nhiều nông dân trên địa bàn huyện Krông Ana tham gia các tổ hợp tác sản xuất lúa gạo để chủ động đầu ra sản phẩm. |
Còn đối với những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ tại các đơn vị khác, họ đã chủ động liên kết lại với nhau, thay đổi thói quen canh tác cũ sang ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông sản. Đơn cử như Tổ hợp tác Gạo thơm 10/3 (xã Ea Bông) được thành lập năm 2023 với 19 thành viên, hiện canh tác lúa Đài thơm 8 trên tổng diện tích 30 ha. Từ khi tham gia liên kết sản xuất, tổ được hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra với mức giá cao hơn thị trường. Tình trạng bị ép giá, bán với giá thấp không còn xảy ra. Bên cạnh đó, tổ được chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn. Nhờ đó, lợi nhuận sản xuất lúa của nông dân tăng thêm từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/ha so với khi chưa tham gia liên kết.
Nhờ thắt chặt mối liên kết giữa nông dân và HTX, tổ hợp tác nên việc nâng cao chất lượng nông sản, liên kết với DN để tiêu thụ được dễ dàng hơn. Cũng vì vậy, thu nhập của nông dân ngày một nâng cao.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc