Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm

08:12, 07/11/2024

Những năm qua, tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian dài. Để chấm dứt tình trạng này, tỉnh Đắk Lắk đã có giải pháp quyết liệt xử lý, thu hồi.

Dai dẳng tình trạng lấn, chiếm đất rừng

Huyện Lắk có 99.152,5 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 78.626 ha đất có rừng, độ che phủ rừng 61,92%. Các đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước quản lý hơn 81.588 ha, các dự án được UBND tỉnh cho thuê đất sử dụng mục đích lâm nghiệp hơn 5.593 ha, rừng hiện do UBND cấp xã quản lý 10.562 ha, còn lại giao cho các hộ gia đình.

UBND huyện Lắk cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng do địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều huyện khác, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống gần rừng và ven rừng. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, gây sức ép lớn cho rừng.

Bên cạnh đó, công tác giao đất, giao rừng còn nhiều bất cập, nhiều diện tích là vườn rẫy canh tác lâu năm của người dân nhưng vẫn quy hoạch đất lâm nghiệp, nên rất khó thu hồi và diễn ra tình trạng xung đột, tranh chấp đất đai giữa người dân và chủ rừng.

Đối với các công ty lâm nghiệp, tình trạng đất rừng bị xâm chiếm diễn ra phổ biến. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông được giao quản lý gần 24.551 ha, trong đó có 23.299 ha đất có rừng, 1.251 ha đất chưa có rừng.

Trên cơ sở diện tích rừng và đất rừng được giao, công ty đã thành lập các phân trường, tổ, đội để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng gia tăng dân số cơ học và di cư tự do trong lâm phần quản lý của công ty khiến nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng, gây áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của công ty.

Từ năm 2020 đến nay, tại đơn vị này xảy ra hơn 1.200 vụ phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất, dẫn đến 436 ha đất rừng bị lấn, chiếm.

Đất rừng sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lắk bị người dân lấn chiếm, dựng lều để canh tác.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing quản lý 3.248 ha tại huyện Cư M’gar, trong đó 622 ha đất có rừng. Diện tích rừng ít nhưng phân bố ở 7 tiểu khu theo kiểu "da báo" nên người dân dễ lấn chiếm. Tình trạng lấn chiếm, mua bán, làm nhà trên đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự. Trên diện tích đất của công ty quản lý có 150 hộ dân di cư tự do xâm canh, làm nhà, cư trú trái phép.

 

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 497.235 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên gần 411.931 ha, rừng trồng hơn 85.304 ha, diện tích đất chưa có rừng gần 240.048 ha. Theo Quyết định 638/QĐ-UBND, ngày 28/2/2024 của UBND tỉnh công bố số liệu hiện trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 38,04%.

Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm ngày càng tăng, phức tạp. Tình trạng người dân chặt phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp, làm nhà ở, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép diễn ra phổ biến, đặc biệt là tại các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Bông, Ea Kar... Hiện nay, toàn tỉnh có gần 127.785 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn, chiếm; đối tượng sử dụng đất chủ yếu là người dân di cư tự do thiếu đất sản xuất và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; việc thu hồi diện tích đất này gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều hạn chế; tại một số địa phương, công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó công tác kiểm tra, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị lấn, chiếm chưa được quan tâm đúng mức, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa cụ thể, sát sao, nhiều địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Tình trạng đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý và của các doanh nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê bị lấn, chiếm trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; người dân canh tác, sản xuất, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất lấn, chiếm gây nhiều áp lực, khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp.

Một khu vực đất rừng sản xuất của doanh nghiệp tại huyện Lắk bị người dân lấn chiếm, canh tác.

Kiên quyết thu hồi

Mời đây, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đặt ra lộ trình đến quý 4/2025, tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, cưỡng chế thu hồi 30% diện tích đất bị lấn, chiếm; từ quý 1/2026 đến quý 2/2026, thu hồi tiếp 30% diện tích; từ quý 3/2026 đến quý 4/2026, thu hồi 40% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm còn lại trên địa bàn.

UBND tỉnh giao các huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn quản lý một cách phù hợp, sát với thực tế, đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các chủ rừng, chủ dự án nông lâm nghiệp tiến hành kiểm tra tại thực địa, xác định đối tượng lấn chiếm trái phép, diện tích đất bị lấn chiếm, thời điểm lấn chiếm, hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc đất đai.

Một số diện tích của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị người dân lấn chiếm để canh tác. (Trong ảnh: Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương thị sát tình hình sử dụng đất lâm nghiệp tại doanh nghiệp này tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông).

Các tổ công tác cần tập trung vào diện tích đất bị lấn, chiếm có nguồn gốc là đất lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giao cho cộng đồng dân cư, UBND cấp xã quản lý nhưng quản lý yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát để người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng; đất lâm nghiệp bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng trái pháp luật đối với diện tích UBND tỉnh giao, cho thuê tại các dự án nông lâm nghiệp, công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia.

Đối với những trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm thì thông báo công khai về địa điểm, tài sản trên đất bị lấn, chiếm; sau thời hạn 30 ngày, nếu không có tổ chức, cá nhân đến nhận là chủ thể vi phạm thì lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính thuộc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp nếu có chủ thể vi phạm đến nhận thì thực hiện xử lý như trường hợp đã xác định đối tượng vi phạm.

UBND tỉnh cho biết, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm nhằm tăng cường, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai; lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, đất lâm nghiệp, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, đưa đất vào quản lý, sử dụng hiệu quả.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.