Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường giải pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế

08:37, 10/11/2024

Sau đại dịch COVID-19 cùng với tình hình giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước.

Việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, kéo theo tình trạng nợ đọng thuế. Để bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), ngành thuế tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM THANH LONG, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk chung quanh nội dung này.

Ông Phạm Thanh Long, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk.

♦ Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả công tác thu thuế, chống thất thu NSNN thời gian qua?

Trong thời gian qua, ngành thuế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác thu, nhất là việc thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN. Cụ thể, ngành thuế tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo đôn đốc và chống thất thu NSNN của tỉnh triển khai quy chế, kế hoạch hoạt động năm 2024 để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; thực hiện hiệu quả các đề án chống thất thu; tham mưu chỉ đạo các ngành phối hợp cung cấp thông tin về sản lượng, nợ thuế, phí các mỏ khoáng sản được cấp phép còn hiệu lực và triển khai bản đồ số mỏ khoáng sản… Kết quả, 9 tháng năm 2024, thu thuế, phí do ngành thuế tỉnh quản lý là 4.740 tỷ đồng (bằng 94% dự toán Trung ương giao, 90,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2023).

Đáng chú ý, nhờ tập trung khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế đối với các đơn vị khai thác khoáng sản phục vụ Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng đối với các DN kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; phân tích rủi ro hồ sơ quản lý thuế thu nhập của các DN kinh doanh sầu riêng; đẩy mạnh chống thất thu đối với lĩnh vực thương mại điện tử… nên 9 tháng năm 2024, ngành thuế tỉnh đã rà soát được 45 DN, 691 cá nhân để đưa vào quản lý, với tổng số thuế đã thu được gần 23 tỷ đồng.

♦ Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn khiến công tác thu và thu hồi nợ đọng thuế gặp khó. Vậy, ngành thuế tỉnh triển khai những biện pháp nào để giúp DN vừa vượt qua khó khăn, vừa bảo đảm công tác thu hồi nợ đọng thuế, thưa ông?

Thời gian qua, ngành thuế tỉnh đã triển khai nhiều chính sách giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của Chính phủ... nhằm hỗ trợ cho DN, người nộp thuế vượt qua khó khăn, có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các DN vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, kéo theo tình trạng nợ đọng thuế. Để bảo đảm công tác thu hồi nợ đọng, ngành thuế tỉnh đã tập trung tuyên truyền, đôn đốc thu để giảm thiểu nợ đọng; thường xuyên làm việc, nắm bắt những khó khăn, bất cập của DN để tham mưu UBND tỉnh, các sở, ngành kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, giám sát các đơn vị thực hiện nghiêm túc đề án, kế hoạch, chỉ thị về thu nợ thuế; xác minh thông tin về tình hình thanh toán vốn NSNN đối với các công ty nông lâm nghiệp, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản để phối hợp thu nợ…

Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh cũng đã có những biện pháp mạnh như: công khai thông tin những đơn vị chây ì nộp thuế, cấm và tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế đang bị cưỡng chế nợ thuế được quy định cụ thể ở Luật Quản lý thuế. Trong 9 tháng năm 2024, ngành thuế ban hành 822.582 lượt thông báo đến người nộp thuế, 3.351 quyết định cưỡng chế giúp toàn ngành thu, giảm nợ được 1.522 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ là 1.302 tỷ đồng; xử lý giảm nợ theo Luật Quản lý thuế 2019 là 14,4 tỷ đồng; thu, xử lý nợ nghĩa vụ tài chính được 205,6 tỷ đồng.

Cán bộ ngành thuế tỉnh kiểm tra việc xuất hóa đơn điện tử của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

♦ Từ nay đến cuối năm, ngành thuế sẽ có những giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, thưa ông?

Dự báo những tháng cuối năm 2024, kinh tế trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn như: tỷ giá, lạm phát có xu hướng tăng; chi phí vận chuyển cao; nhiều đơn hàng bị cắt giảm dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô hoạt động; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường… Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, ngành thuế tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm để thực hiện. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu; đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ, giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn trong công tác thuế; phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt ít nhất 5% dự toán theo chỉ tiêu phấn đấu của Tổng cục Thuế và hoàn thành dự toán địa phương giao đạt mức cao nhất.

Đặc biệt, chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp theo từng địa bàn để người nộp thuế biết và thực hiện kịp thời các chính sách mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN; chống gian lận trong hoàn thuế; triển khai đầy đủ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp thu hồi nợ đọng…

♦ Xin cảm ơn ông!

Khánh Huyền (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.