Tín hiệu vui cho sầu riêng Krông Năng
Giữa tháng 10/2024, "sầu riêng Krông Năng" được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã đem đến niềm vui cho người trồng sầu riêng của huyện nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. Đây được xem là "giấy thông hành" để sản phẩm sầu riêng của huyện tiến sâu vào thị trường các nước trong khu vực và quốc tế.
Nông dân phấn khởi
Huyện Krông Năng có 8.618 ha sầu riêng, trong đó có hơn 4.500 ha cho thu hoạch, sản lượng khoảng 70.000 tấn; tập trung ở các xã như: Ea Toh, Ea Tân, Tam Giang, Ea Púk, Phú Xuân, Dliê Ya và thị trấn Krông Năng.
Để bảo đảm quyền lợi, tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng, UBND huyện đã nỗ lực đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Krông Năng” và đã đem lại kết quả. Ngày 15/10/2024, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể mặt hàng sầu riêng cho huyện Krông Năng, thời gian 10 năm. Đây là địa phương thứ tư của tỉnh được cấp chứng nhận bảo hộ tập thể đối với quả sầu riêng (cùng với huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk).
Ông Vũ Văn Hùng (xã Phú Lộc) chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch. |
Ông Vũ Văn Hùng (thôn Lộc Thành, xã Phú Lộc) cho biết, năm 2016 gia đình ông trồng hơn 200 cây sầu riêng xen canh trong vườn cà phê rộng 1,8 ha. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP nên vườn sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, bình quân mỗi cây sầu riêng cho thu hoạch khoảng 200 kg, đặc biệt có những cây đạt từ 270 - 300 kg quả. Vụ sầu riêng 2024, gia đình ông thu được hơn 20 tấn quả, với giá bán gần 70.000 đồng/kg.
Ông Hùng phấn khởi nói: "Sầu riêng Krông Năng được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể giúp người trồng sầu riêng chúng tôi yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm được khách hàng tin tưởng lựa chọn; giá cả, đầu ra theo đó cũng ổn định hơn”.
“Việc được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Krông Năng" sẽ có thêm một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo quy định của pháp luật thông qua việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ" - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng Lê Ký Sự. |
Tương tự, anh Vũ Duy Khương (thôn Hòa Bình, xã Ea Hồ) cũng có hơn 200 cây sầu riêng trồng xen canh trong vườn cà phê 2 ha. Vườn cây được anh chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh còn thiết kế hệ thống tưới nước tự động, trồng cỏ dưới tán cây để giữ độ ẩm cho vườn cây. Hiện vườn cây mới cho thu hoạch 50%, mùa vụ vừa qua, gia đình anh thu được 10 tấn quả, bán được gần 700 triệu đồng. “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tôi sẽ học hỏi thêm kiến thức để trồng và chăm sóc vườn cây bảo đảm yêu cầu xuất khẩu”, anh Khương cho hay.
Đưa sầu riêng Krông Năng "bay xa"
Dự báo trong thời gian tới diện tích, sản lượng sầu riêng của huyện Krông Năng nằm trong top các địa phương trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh.
Hiện nay, huyện Krông Năng đã xây dựng Đề án phát triển cây trồng chủ lực (trong đó có cây sầu riêng) giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện ổn định diện tích sầu riêng trên 8.000 ha, sản lượng trên 64.000 tấn; tập trung mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ...) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích.
Người dân xã Ea Tam chăm sóc vườn sầu riêng. |
Ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, thời gian qua huyện đã khuyến cáo người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch sầu riêng theo quy trình của Bộ NN-PTNT, cũng như Sở NN-PTNT. Cùng với đó, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng các loại giống có trong danh mục của Bộ NN-PTNT; đồng thời chuyển dần từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP...
Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.200 ha sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn. Cơ quan chức năng của huyện đã và đang khuyến khích người dân phát triển sầu riêng theo chuỗi liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã. UBND các xã, thị trấn cũng tăng cường quản lý giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây sầu riêng cho người dân.
Để cây sầu riêng phát triển bền vững, huyện cũng đã tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh như tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để sớm hình thành các nhà máy sơ chế, chế biến sầu riêng trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất bảo đảm theo kế hoạch, không ồ ạt tăng diện tích, mà tập trung chăm sóc tốt vườn cây hiện có để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh rủi ro khi giá cả thị trường biến động.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc