Agribank Đắk Lắk: Tích cực đồng hành cùng niên vụ cà phê 2024 – 2025
Giá cà phê niên vụ 2024 – 2025 đang ở mức cao nhất trong lịch sử, gây khó khăn cho các đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu mặt hàng này.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm nguồn tín dụng cho ngành cà phê, cùng người dân, doanh nghiệp (DN), địa phương hướng đến một mùa vụ thắng lợi.
Sẵn sàng nguồn lực
Là một trong những ngân hàng thương mại chủ lực cung cấp tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, tín dụng liên quan đến ngành hàng cà phê nói riêng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Agribank Đắk Lắk đã tích cực chủ động nguồn vốn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và DN.
Trong bối cảnh giá cà phê liên tục tăng trong những năm gần đây, Agribank Đắk Lắk đã cung cấp cho khách hàng, nhất là các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê lượng vốn tương đối lớn.
Chẳng hạn, doanh số cho vay của Agribank Đắk Lắk niên vụ cà phê 2023 – 2024 (bao gồm sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu) đạt 36.750 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng doanh số cho vay cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dư nợ cho vay cà phê bình quân niên vụ 2023 – 2024 đạt 3.350 tỷ đồng (chiếm 15,2% tổng dư nợ cho vay cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh), trong đó cho vay chăm sóc là 2.310 tỷ đồng; thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê là 1.040 tỷ đồng.
Nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ cà phê niên vụ 2024 - 2025. Ảnh: Thế Hùng |
Bước vào niên vụ 2024 – 2025, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND, ngày 4/11/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024 – 2025, đặc biệt là trong bối cảnh giá cà phê luôn neo ở mức cao và liên tục thiết lập “đỉnh” giá mới, Agribank Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cân đối nguồn vốn, ưu tiên hạn mức tín dụng được giao đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, nhất là trong các tháng cao điểm của mùa vụ. Theo đó, niên vụ 2024 – 2025, Agribank Đắk Lắk cam kết đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của DN, người dân sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh. Trước mắt dự kiến nguồn vốn cho vay lĩnh vực cà phê niên vụ này khoảng 3.700 tỷ đồng (tăng 350 tỷ đồng), trong đó cho vay trồng trọt, chăm sóc khoảng 2.450 tỷ đồng (tăng 140 tỷ đồng); cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu khoảng 1.250 tỷ đồng (tăng 210 tỷ đồng so với niên vụ trước).
Bên cạnh nguồn vốn mang tính chuyên đề của mùa vụ cà phê như trên, khách hàng cũng có thể vay theo các chương trình liên quan khác tại Agribank Đắk Lắk như: chương trình tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực lâm, thủy sản (quy mô tín dụng toàn Agribank là 3.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank); chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Tạo điều kiện tối đa cho khách hàng
Để triển khai có hiệu quả tín dụng phục vụ niên vụ cà phê 2024 – 2025, Agribank Đắk Lắk đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải ngân kịp thời, đồng thời mở rộng quy mô tín dụng với hộ gia đình và cá nhân vay vốn, song song với phát triển các sản phẩm dịch vụ khác. Agribank Đắk Lắk đẩy mạnh đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tập trung ứng dụng công nghệ để phát triển các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Qua đó, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê trong năm 2024. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, trong đó có ngành cà phê theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), giúp khách hàng hiểu rõ về cách tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Các doanh nghiệp cần một lượng vốn lớn phục vụ niên vụ cà phê 2024 - 2025. (Trong ảnh: Chế biến cà phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk). Ảnh: Vạn Tiếp |
Bên cạnh triển khai các giải pháp giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay, thời gian qua Agribank Đắk Lắk cũng đã thực hiện tốt Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Qua đó đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê.
Theo ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Đắk Lắk, đơn vị cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank và chiến lược phát triển ngành hàng cà phê của tỉnh để triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Agribank cũng kiến nghị các sở, ban, ngành, các hiệp hội DN địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp trong việc kết nối ngân hàng - DN, kịp thời nắm bắt nhu cầu, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong niên vụ cà phê 2024 – 2025 được kịp thời.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, niên vụ cà phê 2024 - 2025, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cam kết đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, dự kiến nguồn vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho vay thu mua, tiêu thụ cà phê khoảng 8.700 tỷ đồng (tăng 10,39% so với niên vụ cà phê 2023 - 2024). |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc