Multimedia Đọc Báo in

Để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vươn lên

07:55, 08/12/2024

Hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo được xem là yêu cầu khách quan và cũng là lựa chọn tất yếu của các quốc gia, các địa phương.

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) 2024, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo khi tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.

Từ năm 2017 đến nay, Chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 44 (năm 2024). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Điều này cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn một số nước thuộc nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột về nguồn nhân lực và nghiên cứu. Đáng chú ý, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số về nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo (startup), 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, cùng hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Đối với Đắk Lắk, thời gian qua UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Đắk Lắk phát triển theo chiều sâu, được các bộ, ngành đánh giá cao và được ghi nhận là một trong những tỉnh có phong trào khởi nghiệp sôi nổi.

Các nhóm dự án, DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng; một số dự án khởi nghiệp ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, các DN khởi nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu và cho ra nhiều dòng sản phẩm mới, có giá trị xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Bàn tư vấn chính sách thuế miễn phí tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã có những bước phát triển và đang chuyển sang giai đoạn mở rộng. Do vậy, các thành phần trong hệ sinh thái cần có sự điều chỉnh so với giai đoạn trước, đặc biệt là vai trò của chính quyền trong xây dựng chính sách và sự tham gia của các tập đoàn, DN lớn.

Để giải quyết vấn đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chiều sâu và mở rộng hơn nữa, tại Diễn đàn “Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) mới được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, đại diện các bộ, ngành đã chia sẻ nhiều chính sách, chương trình. Trong đó có giải pháp tranh thủ nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là nguồn lực trí thức kiều bào nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, tập trung ưu tiên những nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực như công nghệ số, năng lượng sạch, vật liệu mới, kinh tế số... Cùng với đó là tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học, hình thành ý tưởng sáng tạo và thực hiện hoạt động khởi nghiệp sau này. Thêm một giải pháp quan trọng được đề cập đến trong diễn đàn này là việc hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách nhằm hỗ trợ cho hoạt động của DN khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ...

Muốn thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vươn lên, phát triển hơn, không riêng Đắk Lắk mà hầu hết các địa phương đều cần những giải pháp kể trên. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định, đổi mới sáng tạo tác động đến toàn dân, toàn diện và toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu, cách tiếp cận toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong quá trình thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc