Thanh niên với khát vọng làm giàu
Trong những năm qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế được tuổi trẻ huyện Ea H'leo tích cực hưởng ứng.
Bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại nhiều hiệu quả cao, trở thành những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi của địa phương.
Anh Trần Nguyên Ngọc (thôn 2, xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo) luôn nỗ lực, quyết tâm thực hiện hoài bão của mình với hạt mắc ca. |
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay vợ chồng anh Trần Nguyên Ngọc (thôn 2, xã Dliê Yang) đã làm chủ một cơ sở sản xuất mắc ca với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Trước đây, anh Ngọc làm thợ cơ khí, vợ anh là chị Nguyễn Ngọc Hiền đi buôn bán các mặt hàng như quần áo, bơ, sầu riêng…
Trong những lần đi buôn, chị Hiền nhận thấy ở địa phương có nhiều hộ gia đình trồng mắc ca, bỏ nhiều công sức để chăm sóc, nhưng sau khi thu hoạch thì lại không có thương lái thu mua, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Chính vì vậy, vợ chồng anh chị đã quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm mắc ca. Khi bắt đầu làm, vì chưa biết cách chế biến loại hạt này nên anh chị chỉ thu mua mắc ca của người dân rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất mắc ca. Sau khi tìm hiểu quy trình chế biến, vợ chồng anh quyết định đầu tư máy móc rồi bắt tay vào sản xuất thử nghiệm. Nhờ có kinh nghiệm về cơ khí, anh Ngọc đã tự tìm tòi, học hỏi, chế tạo ra máy sấy và máy chẻ, tạo rãnh hạt. Nhờ đó, giảm bớt một phần chi phí đầu tư máy móc.
Công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất mắc ca của anh Trần Nguyên Ngọc (thôn 2, xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo). |
Khởi đầu từ một cơ sở sản xuất nhỏ, thương hiệu còn mới lạ trong khi thị trường đã có nhiều thương hiệu mắc ca, nên vợ chồng anh luôn đề cao việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ người tiêu dùng. Anh chị cẩn thận đến từng hộ dân trên địa bàn thu mua, tuyển chọn quả đẹp, chất lượng. Đồng thời liên kết, bao tiêu sản phẩm với một số hộ dân chuyên trồng cây mắc ca theo quy trình đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. "Thời gian đầu khởi nghiệp của tôi thực sự rất khó khăn do thiếu vốn đầu tư, lại thiếu kinh nghiệm trong sản xuất và tìm kiếm đầu ra. Những mẻ đầu tiên do không biết cách bảo quản nên có nhiều quả mắc ca bị hư phải bỏ đi, thiệt hại vài triệu đồng", anh Ngọc bộc bạch.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến thời điểm này, sản phẩm mắc ca của anh chị đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Chỉ tính riêng sản phẩm mắc ca sấy, mỗi năm cơ sở của anh Ngọc xuất ra thị trường trên 10 tấn.
Với giá bán 160.000 - 240.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận anh chị thu về khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mỗi mùa mắc ca, cơ sở của anh còn tạo việc làm cho khoảng 6 - 8 người, với thu nhập 200.000 - 400.000 đồng/ngày.
Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu của người dân với các thực phẩm từ hạt dinh dưỡng rất lớn nên anh còn nhập thêm hạt điều về bán. Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, anh chị đang làm hồ sơ, thủ tục để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho sản phẩm mắc ca. Đây cũng chính là động lực để anh tiếp tục phát triển sản phẩm của mình.
Anh Trần Văn Quốc (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) kiểm tra chất lượng cà phê nhân sau khi xay xong. |
Trong khi đó, với bản chất chịu khó, ham học hỏi, cộng với sự nhanh nhẹn, anh Trần Văn Quốc (chủ đại lý thu mua nông sản Quốc Hằng tại xã Ea Ral) nhận thấy hơn 90% người dân địa phương sống dựa vào nông nghiệp nhưng việc trao đổi, mua bán nông sản còn gặp nhiều khó khăn, nên năm 2021, anh quyết định mở đại lý nông sản chuyên thu mua cà phê, mắc ca, tiêu và buôn bán thêm phân bón các loại cho cây trồng. Mỗi năm đại lý của anh thu mua hơn 800 - 1.000 tấn cà phê các loại và vài trăm tấn tiêu của người dân trên địa bàn huyện để cung ứng cho các công ty lớn. Để giúp người dân giảm bớt khó khăn, anh còn cho người dân ứng trước phân bón để đầu tư sản xuất, khi kết thúc mùa vụ sẽ thanh toán sau.
Bên cạnh đó, với ý tưởng làm cà phê sạch, năm 2023 anh đã thành lập và giữ chức vụ Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết, chuyên sản xuất cà phê sạch. HTX tích cực liên kết với nông dân sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sạch, đầu tư máy móc, thiết bị chế biến, xây dựng thương hiệu. Mỗi năm HTX sản xuất được khoảng gần 10 tấn cà phê sạch cung ứng ra thị trường.
Với sự năng động của tuổi trẻ, anh còn làm nhiều nghề khác như: mở cửa hàng giao hàng nhanh trên địa bàn huyện, dịch vụ chuyển nhà trọn gói, cho thuê xe tự lái. Vào thời gian rảnh, anh còn chăm sóc 6 ha rẫy trồng xen canh các loại cây như cà phê, sầu riêng, mắc ca... Với khả năng kinh doanh của mình, mỗi năm anh Quốc dễ dàng có được thu nhập tiền tỷ. Không những làm giàu cho bản thân, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 17 - 20 người, với thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng/người/ngày.
Theo Bí thư Huyện Đoàn Ea H’leo Lê Ngọc Tuân, hiện toàn huyện có 17 mô hình kinh tế do đoàn viên, thanh niên làm chủ, trong đó, anh Trần Nguyên Ngọc và Trần Văn Quốc là những thanh niên tiêu biểu. Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập để áp dụng vào phát triển kinh tế của gia đình. Đồng thời, tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên quê hương.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc