Multimedia Đọc Báo in

“Tiếp sức” nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật

08:36, 23/12/2024

Xác định việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là yếu tố cần thiết để hướng đến sản xuất xanh, phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Lắk đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình, giải pháp để bà con nông dân áp dụng chuyển đổi.

Thay đổi tư duy sản xuất cho người dân

Từ tháng 3/2024, Hội Nông dân huyện Lắk đã phối hợp với Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai mô hình ứng dụng men ủ Bio-Wa để sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phế phẩm nông nghiệp cho người dân tại xã Đắk Nuê.

Theo đó, 4 hộ người dân tộc thiểu số (DTTS) được cán bộ trung tâm hướng dẫn ủ phân theo công thức: 0,5 tấn phân chuồng, 0,5 tấn phế phụ phẩm (vỏ trấu cà phê, cùi bắp, bẹ ngô, rơm rạ), 5 kg rỉ đường, 3 kg phân urê, 3 kg kali, 5 kg lân Văn Điển, 1 kg men ủ, 5 kg vôi. Sau 2,5 – 3 tháng ủ đúng công thức, tiêu chuẩn đề ra sẽ hình thành 1 tấn phân hữu cơ sinh học.

Là một trong những hộ triển khai mô hình, gia đình bà H Lát Buôn Krông (buôn Pai Bi) được cán bộ trung tâm hướng dẫn và hỗ trợ men Bio-Wa nên đã tận dụng vỏ trấu để thực hiện ủ phân. Trong quá trình ủ phân, bà đã làm theo đúng quy trình hướng dẫn, phối trộn các nguyên vật liệu đúng theo tỷ lệ, kỹ thuật. Nhờ vậy, sau 3 tháng ủ, hàm lượng N, P, K tại mô hình của bà đáp ứng đủ điều kiện của phân hữu cơ sinh học và bón trên cây cà phê phát triển xanh tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Bà H Lát Buôn Krông chia sẻ, so với mua phân bón hóa học thì việc sản xuất phân bón hữu cơ vừa đơn giản, giá thành lại khá rẻ nên sẽ tiết kiệm được chi phí trong sản xuất và giải quyết vấn đề cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng, ô nhiễm môi trường. Vậy nên bà sẽ tiếp tục duy trì, vận động, hướng dẫn bà con cùng thay đổi tư duy sản xuất, nhân rộng mô hình để cải tạo và giữ gìn chất đất trong nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất bền vững.

Mô hình nuôi trùn quế của hộ ông Trần Quốc Kỳ (thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê, huyện Lắk).

Từ tháng 6/2024, hộ ông Trần Quốc Kỳ (thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê) cũng được Hội Nông dân huyện Lắk phối hợp với Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi trùn quế theo hướng thâm canh.

Theo đó, ông được hỗ trợ 3 tấn ấu trùng trùn quế trong phân để rải xuống làm nền, sau đó đưa phân chuồng vào nuôi theo quy trình, hướng dẫn. Ông Kỳ cho hay, chỉ cần tận dụng chuồng heo bỏ không, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương là có thể nuôi trùn quế.

Nhờ tuân thủ theo quy trình và cung cấp đủ độ ẩm nên chỉ sau 1 tháng ủ, ông đã thu được hơn 3 tấn phân hữu cơ thành phẩm để bón cho cà phê, sầu riêng, lúa của gia đình. Đến nay, các loại cây trồng được bón phân trùn quế của gia đình ông đã sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh nên hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đồng thời, giá bán phân hữu cơ từ trùn quế khá cao với 6.000 đồng/kg nên ông sẽ tiếp tục nhân rộng và duy trì mô hình để mang lại hiệu quả kinh tế. Ông cũng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phân ấu trùng cho người dân tại địa phương để nhân rộng mô hình, hướng tới sản xuất bảo vệ môi trường.

Đa dạng hình thức triển khai

Theo ông R’Lik Siu Yem, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lắk, trong năm 2024, hội đã phối hợp, vận động hội viên thực hiện nhiều mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả.

Cụ thể, hội đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật với trên 300 hội viên tham gia về kỹ thuật ủ phân chuồng bằng men Bio-Wa, sản xuất nấm ăn, nuôi trùn quế tại xã Đắk Nuê.

Triển khai 7 mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa thuần thương phẩm năng suất, chất lượng cao (VNR-20, Ngọc Nương 9, Hương Châu 6, Lộc Trời 28); giống ngô lai F1 (8454) và rau an toàn tại các xã: Yang Tao, Đắk Nuê, Buôn Tría và thị trấn Liên Sơn. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp giống cây trồng tổ chức 6 hội thảo đầu bờ cho trên 600 hội viên tham gia đánh giá kết quả thực hiện mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, ngô chất lượng cao…

Lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về ủ phân hữu cơ bằng men Bio-Wa do Hội Nông dân huyện Lắk phối hợp tổ chức tại địa phương.

Thông qua tập huấn, đào tạo, triển khai mô hình trình diễn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới, nông dân tại địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS đã dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, canh tác để tạo ra sản phẩm có chất lượng. Đồng thời, các cán bộ, hội viên nông dân tại địa phương đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nền sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Qua đó, tạo đà phát triển nông nghiệp hiện đại, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho nông dân tại địa phương.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk đã lập nhiều chiến công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển của tỉnh, được Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.