Vươn lên nhờ tín dụng chính sách xã hội
Thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện Krông Búk đã có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Nguồn vốn tín dụng CSXH là trợ lực quan trọng giúp gia đình ông Nguyễn Đăng Trường (thôn Nam Anh, xã Chứ Kbô) vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, ông được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Búk giải ngân cho vay 45 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo.
Từ nguồn vốn này, gia đình ông đầu tư mua phân bón, cải tạo vườn, chăm sóc 7 sào cà phê, nhờ đó vườn cây cho năng suất cao, mang lại thu nhập tốt hơn. Ngoài trả nợ ngân hàng, ông có điều kiện nuôi con ăn học và thoát khỏi diện hộ nghèo vào năm 2020. Đến nay ông đang vay 50 triệu đồng từ nguồn tín dụng CSXH để chăm sóc cà phê và đầu tư trồng thêm sầu riêng.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Búk kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của một khách hàng trên địa bàn. |
Tương tự, gia đình chị H Đầm Niê (buôn KĐrô 1, xã Cư Né) cũng được “tiếp sức” từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng phải đi làm thuê thời vụ mới đủ chi phí trang trải cuộc sống. Gia đình có 8 sào đất trồng cà phê nhưng không có vốn đầu tư chăm sóc nên hiệu quả thấp. Năm 2017, gia đình chị được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để chăm sóc vườn cây. Sau 3 lần vay vốn, hiện nay gia đình chị còn dư nợ 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Chị H Đầm Niê chia sẻ, nếu không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị chẳng biết xoay xở làm ăn thế nào. Nguồn vốn này đã giúp gia đình phát triển sản xuất, đến nay tuy chưa thoát khỏi diện nghèo, nhưng cuộc sống đã vơi bớt khó khăn, 4 đứa con nhỏ có điều kiện học tập.
Theo thống kê, đến hết tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Krông Búk đạt 418,8 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 10,33%, với 6.994 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Một số xã có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cao so với năm 2023 như: Chứ Kbô (tăng 12,7 tỷ đồng), Cư Pơng (tăng 9,8 tỷ đồng), Ea Sin (tăng hơn 5 tỷ đồng)...
Các chương trình có dư nợ lớn là: cho vay hộ nghèo 63,3 tỷ đồng (chiếm 15,11% tổng dư nợ); cho vay hộ cận nghèo 60,6 tỷ đồng (14,47%); hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 65,4 tỷ đồng (15,62%); chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 62,4 tỷ đồng (14,9%); cho vay hộ mới thoát nghèo 62,2 tỷ đồng (14,85%); hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 90 tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ)...
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ. Việc tập trung huy động vốn và giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn phát triển kinh tế cho 1.124 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; giải quyết việc làm cho 301 lao động; xây dựng hơn 1.200 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường nông thôn...
Gia đình chị H Đầm Niê (xã Cư Né, huyện Krông Búk) phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. |
Ông Trương Duy Hải, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Búk cho biết, thời gian qua, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của 171 tổ tiết kiệm và vay vốn; giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được giao; đôn đốc thu hồi nợ, lãi..., góp phần nâng cao hiệu quả triển khai tín dụng CSXH trên địa bàn. Bên cạnh đó, các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của huyện cũng thường xuyên hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để người dân áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Krông Búk vẫn còn một số khó khăn. Đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát của một số hội đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã chưa được sâu sát, dẫn đến việc giao chỉ tiêu tín dụng cho các tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đạt yêu cầu; xử lý nợ quá hạn, đến hạn, thu lãi, thu tiết kiệm còn nhiều hạn chế; một số khách hàng bỏ đi khỏi địa phương, đi làm ăn xa nhưng các hội đoàn thể nhận ủy thác chưa kịp thời nắm bắt thông tin nên khó quản lý được nợ và thu hồi nợ.
Thời gian tới, huyện Krông Búk sẽ tập trung giải ngân hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong đó ưu tiên giải ngân cho vay tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao và các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng chính sách để làm căn cứ phân bổ nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc