Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn

07:56, 12/01/2025

Vài năm trở lại đây, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được huyện Lắk chú trọng, từng bước phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách đến với địa phương.

Tận dụng lợi thế

Huyện Lắk có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, có tiềm năng phát triển du lịch, trong đó phải kể đến hồ Lắk – hồ nước ngọt lớn thứ hai Việt Nam, mang vẻ đẹp thơ mộng gắn liền với nhịp sống yên bình của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Cùng với đó, những cánh đồng lúa mẫu lớn tại xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng bao bọc buôn cổ M’liêng, khu du lịch ở buôn Lê, buôn Jun (thị trấn Liên Sơn) hay những vùng trồng cà phê, ca cao ở xã Đắk Phơi, Yang Tao... mang nét đẹp hấp dẫn du khách.

Tận dụng những tiềm năng này, thời gian qua, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đồng hành cùng tạo ra những sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Nhiều người trẻ tại địa phương đã tạo ra tour du lịch thu hút du khách khám phá hồ Lắk, trải nghiệm đồng quê, nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa, thưởng thức ẩm thực truyền thống, tham quan nơi làm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, ủ rượu ca cao…

Khách du lịch chụp ảnh tại núi Đá Voi mẹ ở xã Yang Tao.

Điển hình như anh Y Sôl Sruk (buôn Cuôr Tak, xã Yang Tao) đã tận dụng vườn của gia đình làm homestay mang không gian văn hóa người M’nông R’lăm tại địa phương để thu hút khách du lịch. Đến với dịch vụ du lịch của anh Y Sôl, ngoài hòa mình với không gian văn hóa, du khách sẽ được bố trí tour khám phá cuộc sống thường nhật đậm chất nông thôn của người M’nông bên hồ Lắk. Từ năm 2022 đến nay, Y Sôl đã phối hợp với người dân địa phương đang tham gia bảo tồn voi, làm gốm cổ, tổ chức hàng chục tour du lịch đưa du khách đến các buôn làng để tự tay trải nghiệm làm gốm, tham quan vườn ca cao, khám phá thác Bìm Bịp nguyên sơ, đốt lửa trại thưởng thức cồng chiêng tại bãi bồi ven hồ Lắk, cùng ngắm voi và chụp ảnh với núi đá voi nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông...

Anh Y Sôl cho hay, những năm gần đây, du khách thành thị có xu hướng du lịch theo kiểu khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, đời sống ở nông thôn. Bởi vậy, nếu tiếp tục được quan tâm thì với những lợi thế, tiềm năng của huyện Lắk, du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ ngày càng phát triển trong tương lai. 

Còn tại xã Đắk Phơi, với lợi thế điều kiện tự nhiên như suối đá, vườn cà phê, ca cao, cánh rừng rộng lớn…, chính quyền địa phương đang phối hợp với các ban, ngành liên quan phát triển du lịch nông lâm nghiệp gắn với cải thiện sinh kế cho người dân. Ông Hoàng Thanh Bé, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi chia sẻ, tháng 5/2024, địa phương được Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh phối hợp triển khai Dự án xây dựng mô hình nông lâm nghiệp và du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào DTTS. Thông qua dự án, người dân đã được hỗ trợ cây giống để trồng và phục hồi rừng. Đồng thời, địa phương đã mời Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) hướng dẫn thực tế về làm du lịch cộng đồng cho người dân. Nhờ đó, bà con học được cách xây dựng bản đồ cộng đồng, tour trải nghiệm quanh buôn làng; phân tích nhu cầu của du khách và chủ làm du lịch… Đây là cơ hội để người dân địa phương trang bị thêm kiến thức thực tế, làm “bước đệm” để xây dựng mô hình nông lâm nghiệp gắn với du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Nỗ lực hiện thực hóa

Theo chính quyền huyện Lắk, thời gian qua, địa phương đã nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Theo đó, địa phương đã đầu tư xây dựng Điểm hỗ trợ thông tin văn hóa - du lịch; ra mắt Khu du lịch cộng đồng buôn Jun, buôn M'liêng (thị trấn Liên Sơn)… Ngoài ra, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai số hóa dữ liệu các khu, điểm du lịch trọng điểm (hồ Lắk, thác Bìm Bịp, hang đá Ba Tầng, buôn Jun, buôn M'liêng…) để quảng bá hình ảnh huyện Lắk; chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu về điểm đến, các tour tuyến, sản phẩm, dịch vụ và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho du khách.

Du khách trải nghiệm làm gốm cổ của người M’nông R’lăm tại xã Yang Tao.

Ông Võ Thành Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02 của Đảng bộ huyện khóa XV về tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển du lịch huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng kế hoạch phối hợp với các buôn DTTS  tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng để phát triển bền vững du lịch cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các đơn vị du lịch tại địa phương phối hợp với đồng bào DTTS tại chỗ cung cấp sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với địa phương.

Chuyển đổi số trong quảng bá du lịch huyện Lắk trên thiết bị di động thông minh nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về các điểm du lịch, hạ tầng cơ sở về du lịch. Tiếp tục xây dựng các mô hình, điểm du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành, kết nối để bán các sản phẩm giữa nội vùng, liên vùng; thu hút sự tham gia tích cực của người dân trong phát triển du lịch nông nghiệp…

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc