Liên kết để sản xuất bền vững
Nhiều năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đã thoát nghèo, nâng cao thu nhập nhờ liên kết sản xuất, phát triển trồng sầu riêng, cà phê… cùng Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt (thôn 4, xã Ea Tar).
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt thành lập năm 2018 với 40 thành viên chính thức và 120 thành viên liên kết. Với mục đích tạo vùng nguyên liệu an toàn, sản phẩm nông sản bán được giá, tìm được thị trường tiêu thụ lớn, tiềm năng. Ngay từ những ngày mới thành lập, lãnh đạo HTX đã tập trung hướng dẫn cho xã viên canh tác theo hướng bền vững. Các thành viên HTX và thành viên liên kết được tham gia các lớp tập huấn áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất. HTX còn chủ động liên kết với các đầu mối là công ty, đại lý phân bón vi sinh… để vừa hỗ trợ giá vừa kiểm soát được lượng vật tư nông nghiệp sử dụng trong quá trình canh tác.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt Nguyễn Thị Loan hướng dẫn thành viên HTX kỹ thuật canh tác cà phê theo hướng bền vững. |
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt cho biết: "Thời gian đầu, người dân, thành viên HTX chưa tin tưởng, chúng tôi phải vận động, tuyên truyền trong thời gian dài. Sau khi có những mô hình của xã viên mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con đã tin tưởng nhiều hơn về sự liên kết trong sản xuất".
Năm 2024, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt (thôn 4, xã Ea Tar) vinh dự là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương tại Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam 2024”. |
Đơn cử như mô hình trồng sầu riêng xen cà phê của ông Nguyễn Thế Nghĩa (thôn 4). Ông Nghĩa cho biết, trước đây gia đình canh tác theo phương thức truyền thống, từ ngày trở thành thành viên HTX được học hỏi kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt (từ cách chọn giống, chăm sóc, thu hái), được tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn… đã giúp ông có thêm kinh nghiệm để phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Năm 2017, gia đình ông chặt bỏ dần 4 ha hồ tiêu kém hiệu quả chuyển sang đầu tư trồng sầu riêng xen cà phê. Hiện nay, trung bình mỗi năm ông Nghĩa thu được hơn 7 tấn cà phê tươi, 20 tấn sầu riêng…, được HTX bao tiêu, thương lái tìm đến thu mua với giá ổn định.
Để tạo cơ hội cho sản phẩm sầu riêng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, HTX đã phối hợp với UBND xã Ea Tar, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột) xây dựng chương trình số hóa vùng trồng sầu riêng, chuẩn hóa quy trình theo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, với 126 hộ thành viên tham gia dự án, tổng diện tích là 248 ha. Năm 2023, HTX triển khai chương trình VietGAP cho 24 hộ trồng sầu riêng, với tổng diện tích 50 ha, đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Mô hình sầu riêng xen cà phê của ông Nguyễn Thế Nghĩa (thôn 4, xã Ea Tar) thành viên của HTX cho hiệu quả kinh tế cao. |
Bên cạnh đó, HTX còn tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Năm 2024, với sự hỗ trợ 90 triệu đồng từ Liên minh HTX tỉnh, HTX đầu tư dàn máy chế biến cà phê ướt nhằm cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị của cà phê. Hiện, HTX đã triển khai mô hình sản xuất cà phê Honey chất lượng cao góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. HTX hiện có tổng diện tích canh tác 320 ha, sản xuất chủ yếu cà phê, hồ tiêu và một số cây ăn quả. Riêng sản lượng cà phê hằng năm đạt 400 - 500 tấn nhân. HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai, sản lượng tiêu thụ 300 tấn/năm, số cà phê còn lại của HTX được Công ty TNHH Dakman Việt Nam thu mua, giúp xã viên yên tâm sản xuất.
Hồng Nhung
Ý kiến bạn đọc