Biến "cây rừng" thành sản phẩm hàng hóa
Đam mê lai tạo cây trồng, ông Hoàng Xuân Thanh (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã tự tay tạo ra những giống dổi xanh chất lượng tốt, góp phần phủ xanh cho những khu vườn tạp, cánh rừng cằn cỗi.
Năm 1987, ông Thanh cùng gia đình rời quê hương Hòa Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Trên vùng đất mới, ông tích cực sản xuất nông nghiệp để cải thiện kinh tế và gìn giữ nghề làm thuốc đông y gia truyền. Thời gian rảnh rỗi, ông lại tự mày mò lai tạo nhiều loại giống cây, chủ yếu là những loại cây phục vụ cho các bài thuốc đông y. Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến cây dổi, là loại cây thuộc chi ngọc lan, có mùi thơm, vị cay, tính ấm, không chỉ được biết đến trong y học cổ truyền mà còn là gia vị trong nhiều bữa ăn của người Việt. Tuy nhiên, đây là loại cây rừng, thân gỗ, chủ yếu mọc trong tự nhiên, tỷ lệ ra hoa đậu quả thấp.
![]() |
Ông Hoàng Xuân Thanh kiểm tra chất lượng cây dổi giống trước khi giao cho khách hàng. |
Để tạo ra giống dổi có đặc tính vượt trội, ông đã kết nối với nhiều người làm công tác nghiên cứu ở Viện Giống cây trồng Việt Nam và tự xây dựng một phòng thí nghiệm tại nhà. Năm 2004, trong quá trình nghiên cứu, ông đã tạo ra hai dòng cây với những tính trạng vượt trội. Sau đó đem ghép lại để tạo ra cây con có khả năng sinh tồn tốt trong tự nhiên, bảo đảm tỷ lệ ra quả cao. Đến năm 2008, ông đã lai tạo thành công giống cây dổi xanh này. Năm 2016, cây dổi xanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu giống cây trồng và năm 2019 được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận.
Theo ông Thanh, cây dổi được lai tạo thành công có nhiều ưu điểm nổi bật, phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều khu vực; cành lá sum suê, tán rộng nên thuận lợi trong việc trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu… để che bóng, giữ ẩm, cải tạo môi trường sinh thái. Dổi xanh cho thu bói ở năm thứ ba, ngắn hơn so với các giống dổi rừng, dổi ghép thông thường. Đến năm thứ năm, một cây dổi xanh cho sản lượng khoảng 20- 30 kg hạt/năm, mang lại nguồn thu lớn cho người trồng.
![]() |
Ông Hoàng Xuân Thanh (bên phải) hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc cây dổi. |
Để nhân rộng mô hình và xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, năm 2019, ông đã đầu tư 100% cây dổi giống cho nhiều nông dân, hợp tác xã, công trình thủy điện… trồng xen trong khu vực vườn, rừng tạp, khu vực đất xấu không trồng được cây khác và thu mua sản phẩm hạt dổi với giá cả ổn định. Đến nay, gia đình ông đã liên kết được với 6 hợp tác xã, 3 đơn vị quân đội và 17 đơn vị thủy điện ở nhiều tỉnh thành để phát triển diện tích trồng dổi xen với các loại cây trồng khác trên khoảng 40.000 ha.
Trung bình mỗi năm, gia đình ông cung cấp khoảng 100.000 cây dổi giống và thu mua khoảng 200 tấn hạt dổi khô để cung cấp cho các công ty dược liệu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị hạt dổi, năm 2024, ông đã nghiên cứu ra sản phẩm tinh dầu dổi dùng để xông phòng, khử mùi, xoa bóp… được chưng cất thủ công, sử dụng từ quả dổi non, cành, lá non và sản phẩm dầu ép lạnh dổi làm thực phẩm, được chế biến từ hạt dổi khô. Hai sản phẩm này hiện đang được phân loại, đánh giá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc