Đến với “Thành phố cà phê của thế giới”
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển vươn mình trở thành một đô thị giữ vai trò quan trọng của vùng Tây Nguyên.
Đặc biệt, với vai trò là trung tâm của "thủ phủ" cà phê, Ban Mê - Buôn Ma Thuột đang từng ngày chuyển mình, nỗ lực trở thành "Thành phố cà phê của thế giới" với những bản sắc riêng biệt, không lẫn với bất kỳ đô thị nào khác.
Thành phố xanh, đậm bản sắc
Đến với Buôn Ma Thuột, du khách không khó để nhận ra nét đặc trưng nhất của thành phố là sự kết hợp hài hòa giữa hạ tầng cơ sở đô thị và các không gian tự nhiên vốn có của vùng đất này.
Bên cạnh các yếu tố sông, suối, hồ tự nhiên, hệ thống cây xanh của phố núi Ban Mê là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất tại đây. Dựa trên những điều kiện tự nhiên hiện hữu này, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của mình, đô thị Buôn Ma Thuột vẫn giữ được nét rất riêng và độc đáo.
Nhờ đó, không chỉ là “thủ phủ" cà phê của Việt Nam, Buôn Ma Thuột còn được biết đến là một trong những thành phố có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, được quy hoạch phát triển bài bản. Đến với Buôn Ma Thuột là đến với một không gian xanh mát, mang lại cảm giác yên bình, thoải mái cho du khách.
Sức hút không kém khác của Buôn Ma Thuột chính là bề dày văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Với 33 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, Buôn Ma Thuột vẫn còn lưu giữ được không gian nhà dài, bến nước, văn hóa của đồng bào Tây Nguyên để hình thành nên “buôn trong phố, phố trong buôn” đặc sắc mà không đô thị nào có được. Vì thế, nói đến Buôn Ma Thuột là nói đến bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên, nơi mà văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà dài, sử thi, luật tục… của cộng đồng các dân tộc tại chỗ như Êđê, M’nông, J'rai… vẫn còn hiện diện đậm nét trong cuộc sống hiện đại.
Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của người Êđê, M’nông, J'rai..., là vùng đất quy tụ hơn 40 dân tộc cùng sinh sống, Buôn Ma Thuột còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc Tày, Mường, Nùng, H'Mông, Dao, Hoa… đến từ khắp các vùng miền trên cả nước. Với nét độc đáo đó, Buôn Ma Thuột được xem là vùng đất có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, vốn đã hết sức độc đáo và giàu bản sắc của cư dân bản địa.
Thúc đẩy “giá trị bản địa” của cà phê
Cùng với quá trình phát triển, Buôn Ma Thuột mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước. Đặc biệt, Buôn Ma Thuột sở hữu nhiều lợi thế đặc biệt giúp thành phố tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.
Trước tiên, Buôn Ma Thuột có điều kiện tự nhiên thuận lợi, rất phù hợp cho cây cà phê Robusta phát triển. Không chỉ có sản lượng lớn, cà phê Buôn Ma Thuột còn nổi tiếng về chất lượng trên thị trường quốc tế nhờ vào hương vị đặc trưng của cà phê Robusta. Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi đã xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Nhật Bản...
Lễ hội Cà phê là một trong những sự kiện quảng bá hình ảnh về TP. Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới. Ảnh: Hoàng Gia |
Chính quyền thành phố cũng đã và đang tích cực phối hợp trong việc triển khai các chương trình thúc đẩy thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới”. Một trong những sự kiện tiêu biểu là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ hai năm/lần, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh cà phê của Buôn Ma Thuột và TP. Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật, ngoài gìn giữ bản sắc đô thị để tạo được sự gắn bó cộng đồng và hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách, địa phương đang nỗ lực xây dựng hình tượng đô thị, tạo hình ảnh mới mẻ đặc sắc cho đô thị. Từ thiết kế đến chỉnh trang lại kiến trúc đô thị đều hướng đến để kể câu chuyện của Tây Nguyên, đồng thời kiến tạo nên đặc điểm nhận dạng bản sắc không gian đô thị. Cà phê được chuyển tải vào kiến trúc, không gian cảnh quan, từng đường phố, ngõ ngách của đô thị, hướng đến kiến tạo chất lượng không gian đô thị dành cho trải nghiệm của người dùng và tăng cường hơn nữa các trục cảnh quan, không gian công cộng độc đáo, với đa dạng hoạt động chú trọng toàn diện đến cảm thụ của con người từ thị giác đến thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác trong không gian.
Với các yếu tố lịch sử, thổ nhưỡng, khí hậu và sự hội tụ văn hóa vùng miền, các tổ hợp không gian mang đậm dấu ấn cây cà phê, Buôn Ma Thuột đang hướng đến mục tiêu và tầm nhìn mới, để nâng cao giá trị thương hiệu của đô thị, hình thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Điều giá trị hơn nữa là việc xác lập bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột là “thành phố cà phê” đang được chính những người dân nơi đây thường xuyên bồi đắp, sáng tạo thêm từng ngày. Thế nên mỗi lần đến với “thủ phủ" cà phê, chắc chắn du khách sẽ có thêm những cảm nhận, trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc