Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Nhiều khó khăn trong đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP

08:12, 20/02/2025

Giấy chứng nhận sản phẩm 3 sao được UBND tỉnh công nhận cấp cho các sản phẩm hết hiệu lực ngày 28/12/2024. Theo quy định, để tiếp tục được sử dụng logo OCOP có gắn sao, các chủ thể sản xuất phải đăng ký đánh giá, phân hạng lại theo Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.

Hết năm 2024, huyện Krông Búk có 7/18 sản phẩm đủ 36 tháng gắn sao OCOP 3 sao, phải làm hồ sơ công nhận lại, song chỉ có 3 sản phẩm được chủ thể làm hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP.

Yêu cầu cao, kinh phí lớn

Qua tìm hiểu, sở dĩ các chủ thể không tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP là do hồ sơ đề nghị đòi hỏi tương tự như công nhận lần đầu, trong khi tiêu chuẩn yêu cầu cao hơn, tốn kém thời gian, chi phí.

Chia sẻ về lý do không làm hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH GREEN FOOD (thị trấn Pơng Drang) cho hay, hai sản phẩm trà mãng cầu Tây Nguyên, bột gừng sẻ vàng sấy Tây Nguyên của công ty đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2021. Được gắn sao OCOP đã nâng cao thương hiệu của GREEN FOOD, tuy nhiên công ty sản xuất ở quy mô nhỏ và chưa tìm kiếm được thị trường tiềm năng nên phải tạm dừng việc làm hồ sơ đánh giá phân hạng OCOP.

Máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm mật ong được Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Krông Búk hỗ trợ cho doanh nghiệp từ nguồn khuyến công địa phương năm 2023.

Còn với sản phẩm yến sào Ban Mê (hộ kinh doanh yến sào Ban Mê, xã Chứ Kbô) mặc dù đến tháng 12/2025 mới hết hạn gắn sao OCOP, song chủ thể Hồ Thị Phương Thảo cũng đang băn khoăn việc có nên làm lại hồ sơ đánh giá phân hạng cho sản phẩm. Theo bà Thảo, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung theo hướng yêu cầu cao hơn như: môi trường, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm... Ngoài ra, kinh phí để hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại khá tốn kém, từ 30 - 40 triệu đồng/sản phẩm. Theo quy định, sau 3 năm phải đánh giá, công nhận lại với thủ tục, hồ sơ như công nhận lần đầu sẽ rất tốn kém thời gian, chi phí...

 

“Chứng nhận OCOP không chỉ mang ý nghĩa là chứng nhận thương hiệu mà còn là sự đánh giá và công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó. Được gắn sao OCOP, các sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết đến, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ thể”.

 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Phan Hoàng Lâm

Thực tế, hầu hết hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Krông Búk có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, có nơi còn mang tính thời vụ, tiềm lực kinh tế không mạnh, dẫn đến việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí mới gặp khó khăn… nên các chủ thể chưa chú trọng nâng cấp sao cũng như hoàn thành thủ tục để tái chứng nhận sản phẩm OCOP.

Nỗ lực đồng hành cùng chủ thể

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Krông Búk phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; 100% số xã xây dựng nông thôn mới đều có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn cũng là nhiệm vụ quan trọng để vừa bảo đảm gia tăng về lượng vừa nâng cao về chất của sản phẩm OCOP.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện phát triển sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành nông nghiệp huyện đã tiến hành rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm đặc trưng để phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP… UBND huyện còn phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị cho các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; triển khai điểm kinh doanh, trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện…

Công nhân làm việc tại hộ kinh doanh Yến sào Ban Mê (xã Chứ Kbô, huyện Krông Búk).

Theo ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk, các cơ sở, doanh nghiệp của huyện đã tận dụng được lợi thế của địa phương, nâng cao đặc trưng và giá trị tạo ra những sản phẩm OCOP huyện Krông Búk mang tính độc đáo, riêng biệt như: mật ong lên men BON BON, mắc ca Đắk Lắk, cà phê hạt KAKAFE… Nhiều cơ sở mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác bảo đảm hợp quy... Đây là nền tảng quan trọng trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong giai đoạn tới.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp lần thứ Chín, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.