Multimedia Đọc Báo in

Nhiều tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng

08:00, 13/02/2025

Cùng với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong tháng 1/2025 tiếp tục phát triển ổn định, hoạt động tín dụng trên địa bàn cũng có những tín hiệu tích cực.

Trái ngược với tốc độ tăng trưởng âm của tháng đầu năm 2024, ngay từ đầu năm 2025, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước (tăng 0,19% so với năm 2024). Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk , từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 172.000 tỷ đồng (tăng 0,85% so với đầu năm). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 121.500 tỷ đồng (chiếm 70,64% tổng dư nợ); dư nợ cho vay trung, dài hạn ước 50.500 tỷ đồng (chiếm 29,36% tổng dư nợ cho vay).

Dư nợ cho vay tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và những động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư… Theo đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đạt 20.500 tỷ đồng (chiếm 11,92% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 1,44% so với đầu năm) với trên 3.000 DN còn dư nợ; cho vay nông nghiệp, nông thôn 86.000 tỷ đồng (chiếm 50% tổng dư nợ cho vay, tăng 0,35% so với đầu năm) với gần 450.000 khách hàng còn dư nợ; cho vay xuất khẩu 2.700 tỷ đồng (chiếm 1,57% tổng dư nợ toàn địa bàn; tăng 3,45% so với đầu năm). Đáng chú ý là các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh cho vay đối với kinh tế tập thể trên địa bàn theo Công văn số 9614/NHNN-TD, ngày 21/11/2024 của NHNN. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, dư nợ cho vay kinh tế tập thể hiện đạt 286 tỷ đồng (chiếm 0,17% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, tăng 89,4% so với đầu năm) với 274 lượt khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 252 tỷ đồng (chiếm 88,12% dư nợ cho vay kinh tế tập thể, tăng 96,86% so với đầu năm), dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 34 tỷ đồng (chiếm 11,88% dư nợ cho vay kinh tế tập thể, tăng 136% so với đầu năm).

Hoạt động của một công ty sản xuất giày ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc). Ảnh: Nguyễn Gia

Cùng với đó, dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, ước đạt 8.080 tỷ đồng (chiếm 4,7% tổng dư nợ, tăng 0,67% so với đầu năm) với trên 205.400 lượt khách hàng còn dư nợ.

Để có được kết quả trên, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi, phục vụ sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư… trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đơn cử như Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) đã triển khai chương trình “Mở tài khoản mới - Đón lộc kinh doanh”. Đây là chương trình tín dụng nhằm đồng hành cùng DN với nhiều ưu đãi thiết thực, góp phần hỗ trợ DN giao dịch tài chính hiệu quả, tối ưu. Cụ thể, DN khi mở mới tài khoản thanh toán tại Agribank sẽ được hưởng bộ ưu đãi toàn diện: giảm tối đa 100% phí mở tài khoản số đẹp; miễn hoàn toàn phí quản lý tài khoản; miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tử (Agribank Corporate eBanking) gồm phí duy trì dịch vụ, phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống, phí chuyển tiền theo lô, thanh toán lương, phí dịch vụ nộp ngân sách, nộp thuế điện tử, phí dịch vụ quản lý thanh khoản. Bên cạnh ưu đãi mở tài khoản mới, DN có nhu cầu vốn tín dụng sẽ được ưu đãi lãi suất vay vốn với mức giảm từ 1 – 1,8%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường. DN sẽ được tư vấn lựa chọn gói vay phù hợp nhu cầu vốn và mô hình sản xuất kinh doanh...

Cùng với triển khai các chương trình cho vay phù hợp, nhằm chia sẻ, đồng hành với khách hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2024/TT-NHNN). Qua đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 178 lượt khách hàng, với tổng dư nợ được cơ cấu lại hơn 248,6 tỷ đồng, số tiền lãi được cơ cấu lại là hơn 19,1 tỷ đồng.

Theo NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, để duy trì tốt tốc độ tăng trưởng tín dụng, thời gian tới, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Cùng với đó, NHNN Chi nhánh Đắk Lắk sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023 của Chính phủ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…

Trong tháng 1/2025, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 97.000 tỷ đồng (tăng 0,22% so với cuối năm 2024). Trong đó, huy động vốn từ tiền gửi ước đạt 96.350 tỷ đồng (chiếm 99,33% nguồn vốn huy động); huy động từ phát hành giấy tờ có giá 650 tỷ đồng (chiếm 0,67% nguồn vốn huy động).

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc