Phát triển ngành công nghiệp: Tháo gỡ điểm nghẽn về quỹ đất
Những năm gần đây, tình hình sản xuất công nghiệp của Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế vẫn còn thấp, chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn. Điểm nghẽn ở đây là thiếu quỹ đất công nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư.
Đất công nghiệp đã lấp đầy
Trên địa bàn tỉnh có 1 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động là KCN Hòa Phú, với diện tích hơn 180 ha. Bên cạnh đó, có 8 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động và 1 CCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng, với tổng diện tích đất công nghiệp là 299 ha.
Đến nay, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đã được lấp đầy với tỷ lệ gần 100% diện tích. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án được thuê đất với diện tích lớn nhưng không đầu tư đúng theo quy mô khi lập hồ sơ thuê đất; có những dự án chậm đưa đất vào sử dụng, triển khai đầu tư xây dựng kéo dài, chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích. Bên cạnh đó, một số dự án dừng hoạt động nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất công nghiệp. Mật độ xây dựng tại CCN thấp so với đăng ký đầu tư, còn tình trạng các dự án xây dựng chưa đúng thiết kế được phê duyệt; một số CCN chưa giải phóng hết mặt bằng, đất chưa sử dụng để người dân xâm canh.
![]() |
Quỹ đất tại Khu công nghiệp Hòa Phú cơ bản đã có chủ. Ảnh: Vạn Tiếp |
Quỹ đất công nghiệp sạch không còn nên nhiều DN có nhu cầu thuê đất trong các KCN, CCN để đặt nhà máy sản xuất không được đáp ứng. Ông Tr.V.X., giám đốc một DN sản xuất, chế biến nông sản chia sẻ: "Trước đây, DN hoạt động nhỏ lẻ thì không cần nhiều quỹ đất. Đến nay, công ty muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng chưa thực hiện được do không có đất công nghiệp ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để thuê. Nhiều đơn vị khác cũng gặp khó khăn này, một số DN phải đến địa phương khác để tìm mặt bằng xây dựng nhà máy”.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, quỹ đất trong KCN Hòa Phú hiện hữu không còn, trong khi việc mở rộng KCN này về phía Đông chưa thực hiện được. Thời gian qua, một số DN trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm quỹ mặt bằng đất công nghiệp để triển khai dự án nhưng đành phải quay đi do không có đất và hạ tầng kèm theo đáp ứng yêu cầu. Ban này đã vận động các DN hoạt động kém hiệu quả chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp. Trong tháng 5/2024 đã vận động được 3 DN sản xuất than sạch, viên nén, gỗ ván hoạt động kém hiệu quả chuyển cho 1 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện dự án dệt may, với diện tích sử dụng đất gần 50.000 m2, tổng vốn đăng ký đầu tư 10 triệu USD.
Mở rộng không gian phát triển
Đắk Lắk là địa phương có vùng nguyên liệu lớn về nông sản như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mía, sắn, lúa, gạo... Tỉnh có dân số hơn 1,9 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động khoảng 1,2 triệu người (chiếm gần 60% dân số). Đây là những lợi thế để các DN đến đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến. Đặc biệt, khi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được hoàn thành sẽ giảm chi phí vận chuyển, tạo thêm sức hút với các nhà đầu tư.
Định hướng đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk phát triển 26 CCN, trong đó, TP. Buôn Ma Thuột có 4 CCN; huyện Ea Kar, M’Drắk, mỗi huyện có 3 CCN; huyện Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Ea H’leo, mỗi huyện có 2 CCN; các huyện còn lại mỗi huyện có 1 CCN. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của CCN; đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư xây dựng, phát triển các CCN theo quy hoạch, làm cơ sở thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
![]() |
Một dự án sản xuất, chế tạo trong Cụm công nghiệp Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 5 KCN. Trong đó, 3 KCN được thực hiện đến năm 2050 là KCN M’Drắk (diện tích quy hoạch 300 ha), KCN Ea Kar (480 ha) và KCN Ea H’leo (400 ha).
Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phú Xuân (huyện Cư M’gar) cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần DPV Đắk Lắk. Quy mô sử dụng đất của dự án là hơn 313 ha. Chính phủ giao UBND tỉnh tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án… Đây là động lực mới góp phần mở rộng không gian phát triển công nghiệp, tạo quỹ đất công nghiệp để thu hút dự án đầu tư. Hiện Ban Quản lý các KCN tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Cư M’gar gấp rút hoàn tất thủ tục theo quy định để dự án sớm được triển khai.
Theo số liệu của UBND tỉnh, đến cuối năm 2024, Khu công nghiệp Hòa Phú có 59 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 5.956 tỷ đồng. Đối với các cụm công nghiệp đang hoạt động có 175 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 7.000 tỷ đồng. |
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc