Multimedia Đọc Báo in

Sầu riêng “lên ngôi”

16:26, 02/02/2025

Từ trồng để ăn “chơi”, vài năm trở lại đây, nhờ việc tiêu thụ thuận lợi, giá cả ở mức cao, người trồng có lãi lớn nên sầu riêng được coi là loại trái cây “vua”.

Hành trình trở thành “vua” trái cây

Gắn bó với cây sầu riêng gần 50 năm qua, ông Lê Văn Thành (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) là người rõ như in hành trình lên “ngôi vương” của nó.

Ông Thành kể lại, năm 1976, rời quê hương Thừa Thiên - Huế vào đây lập nghiệp, ông chỉ biết trồng bắp, đậu và một số loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê để sinh sống. Thuở ấy đã có những cây sầu riêng hạt từ thời Pháp khai thác thuộc địa nhưng người dân không quan tâm lắm. Khoảng những năm 1987 - 1988, người dân bắt đầu trồng lác đác sầu riêng để ăn “chơi”.

Năm 2004, Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno) thực hiện dự án của Chính phủ đầu tư cây ăn trái chất lượng cao trên địa bàn huyện và trồng khoảng 80 ha sầu riêng.

Giai đoạn 2006 - 2007, sầu riêng tại Malaysia không bán được, bị đổ ngoài đường không rõ lý do nên người dân Krông Pắc cũng e ngại, ngưng chăm sóc. Năm 2011 - 2012, sầu riêng bắt đầu được khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa tìm mua. Từ đó, người dân bắt đầu trồng sầu riêng xen canh.

Từ năm 2014, giá sầu riêng tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg nên người dân bắt đầu mở rộng diện tích, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng. Bắt đầu từ năm 2018, sầu riêng tăng giá “khủng” và giữ mức ổn định trung bình từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, soán “ngôi vương” của các loại trái cây khác.

Đồng thời, thị trường sầu riêng được mở rộng, thậm chí là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, một số hộ còn chặt bỏ các loại cây công nghiệp khác để chuyên canh sầu riêng.

Nông dân xã Tam Giang (huyện Krông Năng) áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất sầu riêng bền vững. Ảnh: Nguyễn Gia

Sầu riêng ngày càng có giá trị cao nên nhiều nông dân xem như trái cây “vua”, chú trọng đầu tư vào quy trình sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bước vào năm thứ 8 trồng sầu riêng, anh Trần Văn Quy (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chia sẻ, năm 2016, nhận thấy đầu ra của sầu riêng khá ổn định nên anh quyết định trồng 300 cây theo tiêu chuẩn VietGAP.  Vụ vừa rồi, gia đình anh thu hoạch được hơn 60 tấn quả, bán với giá bán bình quân hơn 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi hơn 3 tỷ đồng.

Do giá cả cao ổn định nên trong những năm gần đây quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh. Hiện nay toàn tỉnh có 31.785 ha sầu riêng, trong đó có 5.962 ha trồng mới, 10.971 ha kiến thiết cơ bản và 15.852 ha cho thu hoạch sản phẩm.

Nỗ lực giữ vững “ngôi vương”

Sầu riêng có sức ảnh hưởng, cạnh tranh lớn nhưng thị trường chưa ổn định, trong khi đó người dân vẫn ồ ạt mở rộng diện tích nên làm sao để bảo vệ “ngôi vương” cho loại trái cây này đang đặt ra thách thức lớn. Theo ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, địa phương đã khuyến cáo người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch sầu riêng theo quy trình của Bộ NN-PTNT, cũng như Sở NN-PTNT. Cùng với đó, khuyến khích người dân sử dụng các loại phân bón được cho phép, áp dụng những giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học để nâng cao chất lượng. Đồng thời, chuyển dần từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP... xây dựng vùng trồng sầu riêng, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập Hội Sầu riêng nhằm tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả trong sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và phát triển ngành hàng sầu riêng.

"Thủ phủ" sầu riêng Krông Pắc từ trên cao xuống. Ảnh: Vạn Tiếp

Tại Hội thảo phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ nhận định, sự “bùng phát” diện tích trồng sầu riêng trong thời gian ngắn cũng gây ra những thách thức trong công tác quản lý nhà nước.

Là loại cây trồng mới phát triển nên đội ngũ cán bộ khuyến nông có trình độ chuyên môn không phát triển kịp đáp ứng cho sản xuất. Sầu riêng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nên việc xây dựng mã vùng trồng, mã nhà máy đóng gói đáp ứng theo yêu cầu của phía nhập khẩu đòi hỏi phải thực hiện theo tiến độ sản xuất.

Ngoài ra, việc quản lý vật tư đầu vào cho sản xuất từ nguồn cây giống đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạ tầng logistics, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng phải kịp thời để chuỗi giá trị phát triển bền vững. Bởi vậy, ông cho rằng, để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững thì chuỗi giá trị phải thông suốt từ khâu nghiên cứu, sản xuất, thị trường đến tay người tiêu dùng.

Khánh Huyền - Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương