Khẩn trương tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Đắk Lắk đã xảy ra 6 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 4 huyện (Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Năng, Lắk), số chó chết và tiêu huỷ bắt buộc là 10 con.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại 2 huyện là Krông Ana và M’Drắk.
Ngoài ra, phát sinh 3 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột; tổng lợn mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 38 con (1.974 kg).
![]() |
Cán bộ thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục cho đàn bò trên địa bàn thành phố. |
Trong thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao do mầm bệnh lưu hành trên đàn vật nuôi và ngoài môi trường còn khá cao, ở phạm vị rộng. Trong khi, tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số nhưng tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin còn thấp.
Để chủ động kiểm soát có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, các bệnh truyền lây giữa động vật và người, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng các loại vắc xin và sát trùng tiêu độc bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ theo quy định, không để quá hạn hoặc hết hạn; rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm vắc xin, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi.
Giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; định kỳ tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chợ, điểm thu gom, tập kết, buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật.
Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin của địa phương, nếu để chậm trễ dẫn đến xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, lãnh đạo UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh...
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc