Mưu sinh trên... ngọn tiêu
Hồ tiêu được ví như “vàng đen” vì có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để thu hoạch loại cây trồng này, người nông dân không chỉ đánh đổi công sức mà còn phải đối mặt với không ít gian nan và rủi ro.
Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch mùa tiêu năm 2025. Để kịp tiến độ, các hộ trồng tiêu phải thuê một lượng lớn nhân công thu hái, tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập cho nhiều lao động tự do.
Những ngày này, vườn tiêu của gia đình ông Mai Xuân Hùng (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) luôn rộn ràng tiếng nói cười. Bước vào vụ thu hoạch năm nay, ngoài các thành viên trong gia đình, ông Hùng phải thuê thêm 8 nhân công đến từ các huyện lân cận như: Krông Ana, Lắk, Krông Bông… để bảo đảm tiến độ. Với diện tích 1 ha, mỗi mùa thu hoạch hồ tiêu, gia đình ông phải thuê khoảng 80 công lao động. "Hiện nay, gia đình tôi đang thuê công hái tiêu với mức giá 280.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, gia đình còn hỗ trợ bữa ăn phụ và chi phí đi lại cho những nhân công ở xa", ông Hùng chia sẻ.
![]() |
Phần lớn thời gian người hái phải đứng trên thang để thu hoạch hồ tiêu. |
Đến hẹn lại lên, vào tháng Hai, tháng Ba hằng năm, ông Hoàng Văn Vàng (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) lại khăn gói cùng nhóm bạn lên đường đi hái tiêu thuê cho các chủ vườn ở Đắk Lắk. Theo ông Vàng, giá tiêu năm nay tăng cao nhưng năng suất lại giảm, khiến công việc thu hoạch trở nên vất vả hơn. Khác với những năm trước, năm nay ông nhận hái khoán cả vườn, với mức giá 4.000 đồng/kg tiêu tươi (cao hơn 500 đồng/kg so với năm ngoái). Mỗi ngày, ông bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ chiều, chỉ tranh thủ nghỉ khoảng 30 phút vào buổi trưa. "Mỗi ngày, tôi hái khoảng 100 kg tiêu tươi, kiếm được gần 400.000 đồng. Đây thực sự là mức thu nhập khá cao đối với người lao động như tôi”, ông Vàng bộc bạch.
Miệt mài dưới ánh nắng gay gắt của mùa khô, bà H'Ply Bkrông (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) đang cặm cụi hái từng chùm tiêu chín đỏ. Bà H'Ply cho hay, so với việc thu hoạch các loại nông sản khác, thu hái tiêu đòi hỏi người làm nghề phải có kỹ thuật và cẩn thận, bởi hồ tiêu thường được trồng trên các trụ cây sống như muồng, keo… với độ cao từ 5 - 7 m. Mỗi trụ mất khoảng 30 - 45 phút để thu hoạch (tùy vào năng suất) và phần lớn thời gian bà phải đứng trên thang để hái. Mùa thu hoạch hồ tiêu kéo dài khoảng hơn 1 tháng, trong suốt thời gian này, bà gần như không có ngày nghỉ. Sau mỗi mùa thu hoạch tiêu, bà có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
![]() |
Công việc hái tiêu thuê mang lại thu nhập khá cao cho nhiều lao động. |
Có hơn 10 năm kinh nghiệm đi hái tiêu thuê, bà Nguyễn Thị Huỳnh (xã Hòa Thành, huyện Krông Bông) chia sẻ, thu hoạch tiêu không chỉ vất vả vì nắng nóng gay gắt mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong suốt quá trình thu hoạch, người hái không chỉ phải đối mặt với những rủi ro như gió mạnh, thang bị đổ mà còn phải đề phòng sự tấn công của các loài côn trùng như rắn, rết, kiến, ong… Để tránh tai nạn bất ngờ, người hái tiêu cần chú ý đến hướng gió, đặt thang đúng vị trí cân bằng và kiểm tra từng bậc thang để bảo đảm không bị gãy. Đặc biệt, ở những khu vực có địa hình dốc hoặc đất mềm, cần cẩn thận điều chỉnh thang cho chắc chắn trước khi trèo lên cao.
Với nhiều người, hái tiêu được xem là "nghề" trong lúc nông nhàn. Mặc dù không quá vất vả nhưng công việc này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ tai nạn lao động rất cao. Dẫu phải đối mặt với hiểm nguy và muôn nỗi nhọc nhằn nhưng nghề này mang lại thu nhập ổn định hơn các công việc làm nông khác, vì vậy nhiều lao động vẫn kiên trì bám trụ để mưu sinh.
Thúy Nga
Ý kiến bạn đọc