Nâng cao thu nhập nhờ nuôi trồng thủy sản
Những năm qua, nông dân ở huyện Lắk đã chú trọng đa dạng hóa mô hình phát triển kinh tế, trong đó có việc tận dụng diện tích ao, hồ trên địa bàn để nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Tận dụng nguồn lợi thủy sản dồi dào trong lòng hồ thủy lợi Buôn Triết (xã Buôn Triết) những năm qua, Chi hội nghề cá xã Buôn Triết đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lắk thả cá giống và khai thác có kế hoạch nhiều loại cá nước ngọt sẵn có như mè, chép, trôi, trắm...
Ông Trương Văn Doan, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Buôn Triết cho biết, nghề đánh bắt cá giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho nhiều hội viên. Trung bình mỗi ngày, mỗi hội viên đánh bắt được từ 4 - 6 kg cá các loại, vào mùa nước lớn thì số lượng cá đánh bắt có thể tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, chi hội còn khuyến khích hội viên nuôi thêm một số loại cá có giá trị kinh tế cao.
Ông Hoàng Văn Hảo (buôn Lăc Rung) chia sẻ: “Nhờ hệ thống lồng bè có sẵn, từ năm 2022, tôi đã triển khai nuôi cá diêu hồng và cá lăng đuôi đỏ trên lòng hồ thủy lợi Buôn Triết. Với quy mô như hiện tại, mỗi năm gia đình thu được khoảng 4 - 5 tấn cá. Hiện nay, giá cá dao động 40.000 - 60.000 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng có khoản thu nhập đáng kể".
![]() |
Bè nuôi cá diêu hồng của ông Hoàng Văn Hảo (buôn Lăc Rung, xã Buôn Triết, huyện Lắk). |
Ngoài mô hình nuôi cá, trên địa bàn xã Buôn Triết còn có mô hình nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) nhiều triển vọng của gia đình ông Nguyễn Viết Thăng (buôn Tung 3). Gia đình ông Thăng có 2.000 m² ao nuôi nhiều loại cá giống. Năm 2021, nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi ốc bươu đen, ông quyết định mua khoảng 10 kg ốc giống về nuôi thử nghiệm trên diện tích gần 1.000 m² ao. Chỉ sau 6 tháng thả nuôi, ốc bắt đầu đẻ trứng, có thể bán thương phẩm. Ông Thăng lựa chọn những con có kích thước chuẩn để tiếp tục nhân giống. Nhờ vậy, gia đình không cần phải mua con giống mà vẫn có ốc thu hoạch quanh năm.
“Để tạo môi trường gần giống tự nhiên nhất, tôi đã trồng các loại cây thủy sinh như bông súng, bèo tây để vừa làm thức ăn, vừa che mát cho ốc và giúp duy trì độ pH trong nước ổn định. Ốc bươu đen rất dễ ăn nên gần như không phải chăm sóc quá nhiều. Chỉ cần kiểm tra lượng thức ăn để tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước hoặc thiếu hụt làm ốc chậm lớn,” ông Thăng chia sẻ.
Theo ông Thăng, ốc thương phẩm loại từ 20 - 32 con/kg có giá bán từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông Thăng đã chuyển đổi toàn bộ diện tích ao sang nuôi ốc bươu đen.
![]() |
Mô hình nuôi ốc bươu đen nhiều triển vọng của ông Nguyễn Viết Thăng (buôn Tung 3, xã Buôn Triết, huyện Lắk). |
Bà Mai Sao, Phó Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lắk cho biết, thời gian qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản để cải thiện thu nhập. Để bảo đảm hiệu quả kinh tế trong việc nuôi trồng thủy sản, huyện đã khuyến cáo người dân đưa các giống thủy sản có năng suất, sản lượng cao vào nuôi; hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay.
Trong năm 2024, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện là 1.560 ha, trong đó có 810 ha chuyên nuôi thủy sản (chiếm 51,9% tổng diện tích nuôi trồng); nuôi trong hồ chứa được 750 ha, chủ yếu tập trung vào hình thức nuôi quảng canh cải tiến (sử dụng nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên để giảm chi phí).
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn các phương pháp thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; khuyến khích các cơ sở nuôi trồng thủy sản đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng kế hoạch sản xuất giống từng năm phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế.
Giang Nga
Ý kiến bạn đọc