Bài toán nguồn nhân lực trước “thời cuộc”
Thế giới đang chứng kiến những biến đổi chóng mặt từ Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) đến những biến động kinh tế toàn cầu và yêu cầu hội nhập.
Điều này đặt ra thách thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để có thể thích ứng và phát triển.
Thực tế cho thấy, công nghệ đang định hình lại thị trường lao động, tự động hóa nhiều công việc cũ và khai sinh ra những ngành nghề mới đòi hỏi những kỹ năng khác biệt. Quá trình toàn cầu hóa buộc người lao động phải trang bị năng lực làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa, có khả năng thành thạo ngoại ngữ và hiểu biết về các chuẩn mực quốc tế.
![]() |
Học sinh Trường Trung cấp Tây Nguyên thực hành giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, năm 2025. |
“Thời cuộc” 4.0 đang được định hình bằng tốc độ (tiếp cận thông tin, sản xuất, thương mại, vận chuyển). Những yêu cầu khắt khe từ thực tế đã vượt ra ngoài khuôn khổ đào tạo nghề truyền thống. Các đơn vị, doanh nghiệp (DN) cần nhân sự vững kiến thức chuyên môn và các kỹ năng nền tảng thiết yếu như: khả năng tư duy phản biện độc lập; sự sáng tạo; năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp; kỹ năng làm việc nhóm... Quan trọng hơn cả, đó là tâm thế sẵn sàng học hỏi, khả năng tự cập nhật kiến thức và kỹ năng để không bị tụt hậu.
Nhìn vào thực tế tại Đắk Lắk cho thấy, dù có hệ thống 12 cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động, đảm nhận chức năng đào tạo và ứng dụng nghiên cứu khoa học, song nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh nên chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các DN trên địa bàn đều có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Điều này khiến DN “luẩn quẩn” trong việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo và xây dựng các sản phẩm chủ lực có thương hiệu mạnh.
Thực trạng đáng lo ngại khác là sự thiếu gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nghề và cộng đồng DN dẫn đến việc nhiều học sinh, sinh viên sau khi ra trường còn thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tuyển dụng của DN. Tâm lý “ngại” thay đổi, thiếu chủ động cập nhật kiến thức mới cũng còn tồn tại ở một bộ phận người học.
![]() |
Sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Tây Nguyên tham quan thực tế tại Công ty Cổ phần Toyota Đắk Lắk. |
Theo ông Trần Quốc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên, nhà trường đã có những bước đi mạnh dạn trong việc phối hợp với DN tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực sát với yêu cầu thực tế. Có nhiều DN bày tỏ mong muốn tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo học sinh học nghề nhưng các chuyên gia “có nghề” lại chưa đáp ứng yêu cầu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo quy định. Việc tổ chức thực tập tại DN cũng hạn chế do lo ngại ảnh hưởng tiến độ sản xuất…
Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực trong bối cảnh “thời cuộc biến đổi”, nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã đưa ra các kiến nghị cần thiết về cơ chế chính sách, truyền thông... Ông Nguyễn Phước Cường, Giám đốc Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Tây Nguyên cho rằng, cần có sự thay đổi trong chính sách phù hợp, đủ mạnh để thu hút DN tham gia chủ động vào công tác đào tạo nghề, bao gồm cả việc đặt hàng nguồn nhân lực. Cùng với đó là ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các ngành, nghề được xác định là trọng điểm; hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận các chương trình tài trợ từ Trung ương và quốc tế. Các cơ sở đào tạo nghề cũng mong muốn xây dựng và triển khai mô hình liên kết hiệu quả “nhà trường – doanh nghiệp – địa phương” để quá trình đào tạo gắn chặt với thực tiễn sản xuất và bảo đảm đầu ra tuyển dụng cho người học.
Rõ ràng, bài toán đào tạo nguồn nhân lực không còn là một câu chuyện dự báo cho tương lai nữa mà đã trở thành vấn đề cấp bách cần triển khai sớm vì lợi ích kép: giúp mỗi cá nhân xây dựng được sự nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh cho DN; mở rộng cánh cửa hội nhập quốc tế và bảo đảm sự phát triển thịnh vượng cho cả nền kinh tế địa phương và quốc gia trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc