Chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên vật nuôi thời điểm giao mùa
Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường giữa mưa và nắng, độ ẩm tăng cao, nhiệt độ dao động mạnh… là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh trên vật nuôi.
Trước thực tế đó, nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp phòng bệnh nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thịnh (xã Ea Na) rắc vôi bột để phòng bệnh cho đàn vịt. |
Với gần 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi vịt, ông Nguyễn Văn Thịnh (buôn Tơ Lơ, xã Ea Na) hiểu rõ tầm quan trọng của việc phòng bệnh trong thời điểm nhạy cảm này. Ông cho biết: “Thời tiết giao mùa thường khiến vịt dễ mắc bệnh rụt cổ do vi khuẩn E.coli gây ra. Vịt nhiễm bệnh sẽ bị tiêu chảy, chậm lớn, còi cọc, thậm chí có thể chết hàng loạt nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời”.
Để phòng dịch hiệu quả, ngoài việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin, gia đình ông Thịnh đều đặn hai lần/tháng tiến hành khử trùng chuồng trại bằng thuốc sát trùng hoặc vôi bột, phát quang khu vực xung quanh để hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong môi trường. Đặc biệt, ông còn sử dụng nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi nhằm xử lý chất thải tại chỗ, giữ môi trường chuồng nuôi luôn khô thoáng, sạch sẽ, giảm thiểu mùi hôi và khí độc phát sinh. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, đàn vịt đẻ hơn 3.500 con của gia đình ông phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Cũng chủ động không kém, gia đình ông Lã Quý Tráng (thôn Sơn Cường, xã Đắk Liêng) hiện đang nuôi hơn 6.000 con gà đẻ trứng. Khi giao mùa, ông đã tiến hành kiểm tra, gia cố lại chuồng trại, che chắn kỹ càng nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng. Ông Tráng chia sẻ: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mình chủ động từ khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Ngoài thức ăn công nghiệp, tôi bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để gà khỏe mạnh, hạn chế mắc bệnh khi thời tiết biến động thất thường”.
Không chỉ gia súc, gia cầm, thời điểm giao mùa còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Gia đình ông Nguyễn Sáu Tâm (thôn 4, xã Ea Kar) hiện đang nuôi hơn 5.000 con cá rô phi, trắm, trôi… cũng đang tăng cường các biện pháp bảo vệ ao nuôi. Theo ông Tâm, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, độ pH trong nước giảm dễ khiến cá nổi đầu, ngạt thở, thậm chí chết hàng loạt do khí độc ở tầng đáy tích tụ. “Để phòng tránh tình trạng này, tôi thường xuyên sục khí oxy cho ao cá, đồng thời trộn vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn để cá tiêu hóa tốt hơn, hạn chế bị ảnh hưởng do thay đổi môi trường sống”, ông Tâm nói.
![]() |
Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi của một hộ dân ở xã Liên Sơn Lắk. |
Toàn tỉnh hiện có tổng đàn vật nuôi gần 23,4 triệu con gia súc, gia cầm. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý: lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng và hướng dẫn người dân tăng cường giám sát, không để dịch bệnh lan rộng. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm bổ sung hàng trăm nghìn liều vắc xin các loại như: lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trâu bò, dại và cấp phát hóa chất để tiêu độc, sát trùng diện rộng.
Dù ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch, nhưng hiệu quả kiểm soát vẫn phụ thuộc lớn vào ý thức chủ động của người chăn nuôi. Nếu lơ là trong việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, mỗi hộ chăn nuôi cần luôn chú trọng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định và bền vững.
Giang Nga
Ý kiến bạn đọc