Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với bọ trĩ gây hại trên lúa

08:26, 07/02/2023

Vụ đông xuân 2022 - 2023, thời tiết bất lợi đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của cây lúa ở giai đoạn mạ, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh. Nhiều cánh đồng lúa tại TP. Buôn Ma Thuột bị bọ trĩ gây hại dù điều kiện tưới tiêu vẫn đầy đủ.

Hơn 1.000 m2 lúa vụ đông xuân tại cánh đồng tổ dân phố 13, phường Khánh Xuân của gia đình chị Nguyễn Thị Tâm bị bọ trĩ gây hại tỷ lệ lớn, vì vậy dù đang thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh nhưng cây lúa phát triển rất chậm, nhiều chỗ lúa bị chết làm khuyết mật độ.

Gia đình chị Tâm đã bơm hai lần thuốc, bón thúc phân đạm nhưng lúa chưa hồi phục, vẫn còn bị tình trạng khô trên đầu lá, xoăn lại, cây yếu ớt, vài chỗ tàn lụi.

Ruộng lúa hơn 1.000 m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lan tại cánh đồng lớn của Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Hòa cũng trong tình trạng tương tự.

Chị Lan cho hay: Những vụ đông xuân trước, chị gieo lúa giống thuần cao sản phát triển tốt, thu hoạch năng suất cao. Ruộng vụ đông xuân này đã được 35 ngày tuổi, nhưng trời lạnh kéo dài, gió nhiều khiến lúa đẻ nhánh rất thưa, có triệu chứng vàng, khô đầu lá. Dự kiến năng suất lúa vụ đông xuân này sẽ giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Nếu thời kỳ mạ bị bọ trĩ gây hại với tỷ lệ lớn, thời gian gây hại kéo dài sẽ làm khuyết mật độ lúa trên ruộng, ảnh hưởng năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo; chưa kể bọ trĩ cứa hút gây vết thương phần chóp lá, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tiếp tục gây bệnh vàng lá ở thời kỳ kế tiếp.

Đối với giống lúa trung ngày và dài ngày, khi bị bọ trĩ gây hại, cây lúa phải mất một quá trình phục hồi, sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng so với thường lệ, theo đó vấn đề thiếu nước vào cuối vụ có thể xảy ra, vì vụ đông xuân cây lúa hưởng nước theo kế hoạch điều tiết từ nguồn thủy lợi địa phương.

Còn đối với giống lúa ngắn ngày, nếu bị bọ trĩ gây hại nặng, chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, vì cây lúa không có thời gian phục hồi.

Chị Nguyễn Thị Tâm (tổ dân phố 13, phường Khánh Xuân) kiểm tra diện tích lúa bị bọ trĩ gây hại.

Để phòng, trừ bọ trĩ có hiệu quả vụ đông xuân, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là áp dụng chương trình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM” (Integrated Plant Health Management) trên nền tảng của quản lý dịch hại tổng hợp IPM ngày trước vào sản xuất lúa với các nguyên tắc cơ bản.

Một là, phải làm cho chân đất ruộng khỏe, giúp điều tiết nước và các chất hòa tan trong đất, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng, cung cấp phương tiện cho cây lúa bám rễ, hút dinh dưỡng tốt thông qua việc xử lý đất và bón lót phân hữu cơ hợp lý.

Hai là, chọn giống lúa tốt, phù hợp sinh thái địa phương, sạ với mật độ hợp lý, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ theo nhu cầu sinh lý của cây lúa qua từng giai đoạn.

Ba là, giữ cân bằng hệ sinh thái ruộng lúa, thông qua mối quan hệ tương hỗ giữa đất, cây trồng, môi trường và sinh vật trong tự nhiên, thông qua việc hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học trên ruộng.

Bốn là, giám sát và kiểm tra đồng ruộng thông qua quá trình hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước, đánh giá so sánh được vụ này với vụ khác, năm này với năm khác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, người nông dân cần chú trọng quan sát, phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý.

Khi thời tiết thuận lợi cho một loại dịch hại phát sinh gây hại trên lúa, người dân kiểm tra, nhanh chóng báo với cán bộ nông nghiệp địa phương, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hỗ trợ tác động kịp thời.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.