Multimedia Đọc Báo in

Trồng na Thái cho hiệu quả kinh tế cao

08:30, 20/09/2023

Từng có kinh nghiệm nhiều năm về trồng các loại cây ăn quả, anh Phạm Văn Trọng (thôn 11, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn trồng hơn 200 cây giống na Thái thay thế diện tích xoài già cỗi, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.

Theo anh Trọng, gọi là na Thái là do loại quả na này có nguồn gốc từ Thái Lan, hay còn gọi là mãng cầu dai. Cây na Thái trồng hơn 2 năm tuổi thì bắt đầu ra hoa, cho trái. Đây là loại cây trồng chịu được hạn nhưng không chịu úng, kháng sâu bệnh tốt hơn các giống na địa phương. Hiện vườn na Thái của anh Trọng đã được 5 năm tuổi, đang cho trái sum suê.

Anh Trọng bao trái cho na Thái.

Ưu điểm na Thái là có trọng lượng quả lớn hơn gấp đôi quả na địa phương, cá biệt có quả nặng hơn 1 kg. Quả ít hạt, vỏ mỏng, hương vị thơm ngọt đậm và mẫu mã đẹp nên thị trường rất ưa chuộng. Với điều kiện thời tiết Buôn Ma Thuột, cây na Thái cho thu hoạch từ tháng 6 đến Tết Nguyên đán, nhưng thời gian thu tập trung là từ tháng 8 đến tháng 9. Vào dịp Tết, giá na Thái có thể lên đến 80.000 – 100.000 đồng/kg, ngày thường giá sỉ từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Mỗi cây na Thái 5 năm tuổi cho thu hoạch từ 35 - 40 kg quả/vụ. Nếu vào thời kỳ kinh doanh ổn định, chăm sóc tốt, cây na Thái có thể cho thu hoạch từ 50 - 70 kg quả/cây. Nếu trồng với mật độ 625 cây/ha (4 x 4 m), cùng giá bán của thị trường hiện nay, mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 700 - 900 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây ăn quả khác cùng thời điểm.

Thời tiết đặc thù của Tây Nguyên dù thuận lợi cho cây na Thái phát triển song đồng thời cũng dễ tạo điều kiện phát sinh sâu bệnh hại. Nhất là giai đoạn mang trái, cây thường xuất hiện rệp sáp trắng và sâu đục quả gây hại. Vì vậy, người trồng phải chú trọng bao từng quả mới đảm bảo mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, nên quan tâm tìm hiểu quy trình bón phân để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây, cần bổ sung phân hữu cơ nhiều thì vườn na Thái mới phát huy hiệu quả. Vào thời kỳ kinh doanh ổn định, tùy theo sức khỏe của đất, sức khỏe của cây và khả năng cho quả mà bổ sung dinh dưỡng đủ và đúng lúc mới khai thác được tiềm năng, năng suất bền vững.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.