Multimedia Đọc Báo in

Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế

19:23, 03/01/2024

Chiều 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Lắk có các đồng chí: Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT; đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành NN-PTNT cả nước vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện so với năm 2022, thể hiện nổi bật ở nhiều lĩnh vực. 

Cụ thể: tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong 5 năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó, đáng chú ý là: sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn (tăng 1,9%); sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn (tăng 6,38%); sản lượng thủy sản hơn 9,3 triệu tấn (tăng 2,3%); sản lượng gỗ khai thác hơn 20,8 triệu m3 (tăng 2,8%); lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay, đạt 12,07 tỷ USD (tăng 43,7%). Trong đó, một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: rau quả 5,69 tỷ USD (tăng 69,2%); gạo 4,78 tỷ USD (tăng 38,4%). Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đổi mới tổ chức sản xuất: đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 78% tổng số xã), trong đó có 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu, đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022).

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, những năm qua, Đắk Lắk tập trung phát triển nông nghiệp theo ba trụ cột, đó là: phát triển bảo tồn, sản xuất bền vững và bảo đảm mục tiêu an sinh.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Đắk Lắk đề ra các giải pháp: Nâng cao tư duy, nhận thức cho người dân; có giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; áp dụng, triển khai sâu rộng công nghệ mới; tổ chức lại chuỗi sản xuất theo hướng lấy doanh nghiệp làm hạt nhân.

Đồng thời, Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật khu vực Tây Nguyên đứng chân trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch thực vật, khai báo hải quan. Đặc biệt, giúp địa phương kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng gian lận sử dụng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại điểm cầu Đắk Lắk
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023, ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ "bị động, lúng túng" sang "chủ động, tự tin" để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đạt thành tích cao ở nhiều lĩnh vực.

Bước sang năm 2024, ngành NN-PTNT cần tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cần gắn phát triển kinh tế nông thôn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.