Lợi ích từ nuôi trùn quế dưới tán cao su
Tận dụng bóng mát và khoảng trống dưới tán cao su, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) đã sáng tạo ra cách nuôi trùn quế mang lại nhiều lợi ích cho nhà nông.
Thôn 12 là địa bàn xa xôi của xã vùng III Vụ Bổn. Do đất đai khô cằn, thiếu nước tưới nên việc sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Đa số bà con trồng hoa màu một vụ hoặc các loại cây dài ngày ít có nhu cầu về nước tưới như điều, cao su… kết hợp với chăn nuôi trâu, bò. Mặc dù người dân nơi đây chăn nuôi nhiều, có sẵn lượng phân bò lớn nhưng lại chưa tận dụng để cải tạo đất đai mà bán đi với giá rất rẻ.
Vốn quan tâm ứng dụng các giải pháp hữu cơ vào canh tác, anh Quỳnh đã tự tìm hiểu cách ứng dụng trùn quế để xử lý phân trâu, bò sao cho phù hợp với điều kiện canh tác của gia đình, qua đó hướng dẫn bà con nhân rộng.
Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh giới thiệu về cách nuôi trùn quế dưới tán cao su. |
Giải pháp nuôi trùn quế thông thường là phải có mặt bằng đủ rộng và có mái che để đảm bảo về độ ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp.
Để tiết kiệm chi phí, anh Quỳnh đã tận dụng khoảng đất trống giữa hai hàng cao su cùng bóng mát tự nhiên để nuôi thử nghiệm trùn quế. Với cách làm này, anh Quỳnh chọn một vị trí đất bằng phẳng, có độ dốc nhẹ giữa hai hàng cao su, trải bạt nilon rồi đổ một lớp phân trâu, bò dày khoảng 70 cm lên trên.
Sau khi tưới nước cho đủ ẩm, anh rải thêm một lượng sinh khối trùn quế, phủ lên bề mặt bằng một lớp lá cao su để tạo môi trường thuận lợi cho trùn quế phát triển. Thời điểm bắt đầu nuôi là vào đầu mùa mưa, anh Quỳnh hầu như không cần phải tưới để giữ ẩm. Nhờ địa hình dốc thoải nên khu vực bạt nuôi trùn quế cũng không bị ngập úng.
Sau khoảng 6 tháng, hơn 50 m3 phân bò ban đầu đã được trùn quế ăn hết tạo ra một lượng sinh khối trùn quế tơi xốp, giàu dinh dưỡng và các vi sinh vật có lợi cho đất với tổng trọng lượng chỉ còn khoảng 1/4 so với ban đầu.
Anh Quỳnh che bạt một phần luống phân, tạo môi trường ẩm và tối cho trùn quế bố mẹ ẩn nấp rồi thu hoạch phân ở phần còn lại để bón cho các loại cây trong vườn. Vừa thu phân ở luống cũ, anh Quỳnh lại nhân thêm luống phân mới từ lượng trùn quế giống đã sinh sôi.
Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh sử dụng phân trùn quế để tăng cường dinh dưỡng và độ ẩm cho cây chè hoa vàng trong mùa khô. |
Phân trùn quế không chỉ cung cấp lượng đạm, trung vi lượng cho cây trồng mà còn đưa vào đất các loại vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải chất xơ cùng với rất nhiều trứng và ấu trùng trùn quế.
Sau khi bón phân trùn quế, độ tơi xốp, màu mỡ và khả năng giữ ẩm của đất đã cải thiện thấy rõ, giúp anh Quỳnh tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư không nhỏ trong việc theo đuổi các sản phẩm sạch, canh tác theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên như cà phê bột, trà hoa vàng…
Anh Quỳnh chia sẻ: “Cách làm này đã đơn giản hóa quy trình nuôi trùn quế, không tốn chi phí làm mái che, không tốn công đảo, trộn, tưới nước và rất dễ thực hiện”. Toàn bộ quy trình nuôi trùn quế dưới tán cao su được anh Quỳnh thường xuyên cập nhật bằng các video hướng dẫn, lan tỏa qua mạng xã hội để bà con trong vùng tìm hiểu, áp dụng.
Qua đó, bà con không chỉ tự làm ra phân trùn quế, tận dụng tốt các nguồn lợi từ trồng trọt, chăn nuôi mà còn góp phần xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững ở những vùng đất còn nhiều khó khăn.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc