Nhiều lợi ích từ canh tác hữu cơ thuận tự nhiên
Có cơ duyên được làm việc hơn hai năm tại Công ty TNHH Liên kết nông dân (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), anh Thế Hạnh (35 tuổi, xã Cư Êbua, TP. Buôn Ma Thuột) đã được học hỏi và trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm về việc phát triển nông nghiệp sạch, bền vững và đặt cả tâm huyết vào việc khởi nghiệp trồng rau, củ quả hữu cơ.
Đến nay, anh Hạnh đã phát triển được một nông trại rộng khoảng 4 ha với hơn 40 loại rau, củ quả canh tác hữu cơ.
Theo anh, nông nghiệp bền vững phải vừa đáp ứng được nhu cầu lương thực vừa đảm bảo về môi trường sinh thái, môi trường làm việc cho mọi người.
"Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, tôi áp dụng các hình thức canh tác thông minh, tái chế phế phẩm, chất thải và phát triển nguyên tắc "5 không" là không sử dụng thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi và bảo vệ thiên địch. Để phát triển một môi trường nông trại có hệ vi sinh ổn định, hơn 7 năm qua, tôi luôn chú trọng việc cải tạo đất", anh Hạnh chia sẻ.
Anh Nguyễn Thế Hạnh tự ủ phân hữu cơ từ vỏ và ruột dưa hấu để thay thế cho phân bón hóa học. |
Nông trại của anh Hạnh hiện đang trồng hai loại dưa để thu trái và thu hạt, vì vậy sau khi thu thành phẩm, sẽ có một lượng lớn vỏ và ruột quả không được sử dụng. Vỏ dưa hấu được anh Hạnh tận dụng làm phân ủ với hàm lượng chất dinh dưỡng cao và đa dạng, sử dụng cho cây trồng để bổ sung thêm nguồn phân hữu cơ cho nông trại. Anh cho hay, vỏ dưa hấu trộn đều với phân gà và cám gạo đã được ủ với men rượu (cám gạo ủ bocaxi) theo tỷ lệ 6/3/1, đậy bạt ủ khoảng 40 ngày là có thể sử dụng. Trong quá trình ủ tiến hành đảo hai lần cách nhau 10 ngày để thúc đẩy quá trình phân hủy diễn ra nhanh và tơi xốp hơn. Sau đó có thể lấy phân ủ để bón cho rau trong cả hai giai đoạn bón lót và bón thúc giúp cây phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, anh Hạnh luôn chú trọng việc lựa chọn các giống rau và cách xử lý sâu bệnh hại trong vườn. Toàn bộ giống được sử dụng tại nông trại đều là loại giống địa phương có tính thích nghi và chống chọi với điều kiện tự nhiên của vùng, hoặc các giống không biến đổi gen được nhập từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Cùng với đó, toàn bộ các công đoạn làm cỏ, bắt sâu, chăm sóc rau đều được công nhân thực hiện thủ công. Anh lựa chọn phương pháp quản lý tổng hợp như quản lý ngay từ hạt giống, mùa vụ thích hợp, thời gian canh tác, thời gian thu hoạch, kết hợp tạo môi trường thích hợp cho thiên địch phát triển, dùng các dòng vi khuẩn và vi nấm đối kháng để kiểm soát sâu bệnh.
Anh Nguyễn Thế Hạnh giới thiệu sản phẩm dưa hấu hữu cơ cho khách hàng tới tham quan nông trại. |
Năm 2022, nông trại của anh Hạnh trở thành nông trại đầu tiên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đạt Chứng nhận Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Mỗi ngày, nông trại thu hoạch và xuất bán hơn 200 kg nông sản cho các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Chị Trần Ngọc Đan Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thực phẩm sạch Buôn Ma Thuột (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đánh giá: “Hiện nay, người tiêu dùng hiểu biết nhiều hơn về lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ và những tác động tích cực đối với môi trường khi canh tác nông nghiệp theo phương pháp này. Chính vì vậy, các loại rau, củ hữu cơ từ nông trại của anh Hạnh được khá nhiều khách hàng yêu thích và đang có mức tiêu thụ khá ổn định”.
Do canh tác hữu cơ thuận tự nhiên, các sản phẩm của nông trại chịu tác động rất lớn từ các yếu tố tự nhiên như khí hậu, thời tiết... cho nên sản lượng sẽ thấp hơn so với canh tác truyền thống, tuy nhiên việc tiêu thụ các loại nông sản này khá thuận lợi, giá bán ra thị trường khoảng từ 40 - 60 nghìn đồng/kg tùy loại rau, cao gấp khoảng hai lần trở lên so với nông sản cùng loại bán ở chợ. Nông trại của anh Hạnh hiện tạo việc làm ổn định cho 10 nhân công tại địa phương.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc