Cây lúa lên hương
Từ những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, Tổ hợp tác lúa gạo an toàn (thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na, huyện Krông Ana) ra đời đã từng bước hình thành nên một chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Tháng 6/2019, Tổ hợp tác lúa gạo an toàn (Tổ hợp tác) được thành lập gồm 22 thành viên, với diện tích 82 ha, do ông Bùi Văn Đoán làm tổ trưởng. Thời điểm mới thành lập, dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến hoạt động của Tổ hợp tác gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ban quản lý Tổ hợp tác đã tổ chức những hoạt động phù hợp để duy trì và phát triển.
Cụ thể, ngay từ khi mới thành lập, Tổ hợp tác đã tập trung vận động tổ viên xuống giống, gieo sạ đồng loạt nhằm chủ động nguồn nước. Riêng diện tích 5 – 6 ha ở khu vực trũng thấp thì tổ viên trồng một số giống lúa ngắn ngày như Đài Thơm, OM 5451… nhằm hạn chế thiệt hại khi xảy ra lũ. Số diện tích còn lại, các tổ viên tập trung trồng giống lúa ST24. Hiện nay, sản lượng của Tổ hợp tác đạt khoảng 13.600 tấn lúa tươi/năm.
Cánh đồng của Tổ hợp tác lúa gạo an toàn (huyện Krông Ana). |
Đặc biệt, tại địa phương, hầu hết người dân có nhiều nguồn thu nhập từ hồ tiêu, cà phê, các loại cây ăn trái, chăn nuôi… nên cây lúa nhiều năm liền không phải là nguồn thu nhập chính mà chỉ trồng để phục vụ nhu cầu ăn và chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, người dân đã tập trung trồng các giống lúa chất lượng, cho năng suất cao, giá thành ổn định. Nhờ vậy mà cây lúa đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.
Đơn cử như gia đình ông Bùi Văn Đoán hiện đang sở hữu 6 ha đất trồng lúa. Trước khi thành lập Tổ hợp tác, ông chủ yếu trồng các loại giống lúa như RVT, Đài Thơm…
Ông Đoán cho biết, đối với các loại giống lúa này, sản lượng cao nhất cũng chỉ đạt 9 tấn/ha và giá bán bình quân tầm 6.500 – 7.000 đồng/kg lúa khô. Không chỉ bị thương lái thường xuyên ép giá mà lúa còn phải phơi khô thì mới được thu mua. Năm 2019, ông biết đến giống lúa ST24 qua các phương tiện truyền thông đại chúng nên mạnh dạn mua và thử trồng trên toàn bộ diện tích của gia đình.
Từ khi trồng giống lúa ST24, sản lượng lúa của gia đình ông cao hơn hẳn, đặc biệt vào vụ Đông Xuân, có diện tích đạt 12 tấn lúa tươi/ha. Không chỉ vậy, số lượng lúa thu hoạch cũng được thương lái tìm đến thu mua ngay tại chân ruộng mà không cần phơi khô. Riêng vụ Đông Xuân 2023 – 2024 vừa qua, lúa của gia đình ông bán được với giá cao (10.400 – 10.500 đồng/kg lúa tươi).
Còn đối với gia đình ông Vũ Hữu Thoan, thành viên Tổ hợp tác, cũng có 3,5 ha đất trồng lúa. Trước đây, kinh tế của gia đình ông Thoan chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê, hồ tiêu, nhãn… nên cây lúa dường như bị “bỏ ngỏ”.
Tổ viên Tổ hợp tác lúa gạo an toàn (huyện Krông Ana) thường xuyên hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. |
Thời gian gần đây lúa được mùa, được giá đã giúp gia đình ông Thoan có thêm nguồn thu nhập cao từ loại cây này. Vì vậy, ông đã tập trung tìm hiểu nhiều hơn về các giống lúa chất lượng cao, ứng dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, thu hoạch… nên diện tích lúa của gia đình ông cho năng suất, chất lượng ngày càng cao.
Tuy vậy, theo ông Thoan, để xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại địa phương, chính quyền và các ban, ngành cần quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thành viên trong Tổ hợp tác được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ… nhằm nâng cao hiểu biết về kỹ thuật cũng như yêu cầu ngày càng cao của thị trường lúa gạo hiện nay.
Được biết, hiện nay Tổ hợp tác đang trong quá trình tìm hiểu, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo làm ra. Từ đó hướng đến xây dựng nên chuỗi liên kết, sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại xã Ea Na.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc