Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Mưa muộn ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Hè Thu 2024

08:19, 08/07/2024

Như thường niên, vào khoảng đầu tháng 6, nông dân trồng lúa tại TP. Buôn Ma Thuột đồng loạt xuống giống (gieo sạ lúa) cho vụ Hè Thu.

Tuy nhiên, năm nay đã vào đầu tháng 7, trên những cánh đồng lớn của TP. Buôn Ma Thuột, nông dân mới bắt đầu lác đác cày bừa, gieo, cấy lúa vụ Hè Thu 2024 do mưa muộn thiếu nước.

Anh Y Thi Hmok có ruộng lúa thuộc cánh đồng buôn K’Bu (xã Hòa Khánh) chia sẻ, vụ hè thu này, đến giờ đã muộn gần một tháng so với cùng kỳ các năm trước mà ruộng vẫn chưa có nước để xuống giống. Anh lo ngại cuối vụ có thể thiếu nước vào giai đoạn lúa trổ bông, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Tại một khu ruộng lúa thuộc cánh đồng lớn phường Khánh Xuân, thấy có hai ruộng liền bờ nhưng một bên thì đang gieo mạ, bên còn lại thì nông dân đang cấy lúa. Hỏi ra mới biết, bên cấy lúa là do sau khi lỡ ngâm ủ giống để gieo sạ nhưng vì ruộng không có nước nên buộc phải để làm mạ, giờ thấy có nước cấy luôn. Chủ ruộng cũng lo lắng vì xung quanh chưa có nhiều diện tích gieo cấy, sợ sâu hại có thể tập trung tấn công ruộng lúa ở các giai đoạn sinh trưởng, làm ảnh hưởng đến năng suất.

Hai thửa ruộng liền bờ nhưng một bên gieo sạ, còn một bên đang cấy lúa.

Cùng lúc, tại cánh đồng lớn thuộc tổ dân phố 13, phường Khánh Xuân, dù ruộng chưa có nước để gieo nhưng cỏ đã lên dày, nông dân ở đây đã sử dụng thuốc trừ cỏ lưu dẫn để cỏ vàng chết, chờ đến khi có nước thì gieo sạ lúa và đỡ tốn công cắt cỏ. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, đất, sức khỏe người sản xuất… nếu nhiều người cùng sử dụng thuốc trừ cỏ lưu dẫn trên ruộng của mình.

Để hạn chế sự rủi ro do quá trình gieo lúa muộn vì ảnh hưởng của khí hậu, Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột đã tăng cường phối hợp với các đơn vị phường xã tập huấn cho nông dân sản xuất lúa về cơ cấu giống lúa; khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa sử dụng giống dài ngày, phòng khi có thể thiếu nước vào cuối vụ, kết hợp việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển thông qua việc bón phân đúng và đủ.

Theo đó, nông dân có thể sử dụng một số giống lúa ngắn ngày, trung ngày đã thí điểm đánh giá sự thích nghi tại địa phương như các giống OM ngắn ngày, BDR79, ML48, Đài Thơm 8, HT1, Hương Châu 6, một số giống TBR …

Ưu điểm của những giống lúa này là đẻ nhánh tập trung, thời gian thụ phấn, trổ tập trung, có khả năng kháng một số sâu bệnh hại trên lúa. Địa phương khuyến cáo bà con tổ chức xuống giống đồng loạt khi ruộng đủ nước để giảm sự rủi ro do sâu bệnh tấn công cục bộ.

Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên ruộng (kể cả thuốc trừ cỏ) để bảo vệ lực lượng thiên địch (côn trùng có ích) sẵn có trên ruộng, góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái để phát triển lúa bền vững.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.