Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện vệ sinh môi trường vùng nông thôn

07:05, 21/12/2021

Những năm qua, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai trên địa bàn tỉnh không chỉ hỗ trợ nhiều gia đình có nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh mà còn góp phần giúp nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành tiêu chí số 17 trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, huyện Cư M’gar được đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Ea Tul với kinh phí 6,3 tỷ đồng, góp phần nâng số hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình lên gần 1.000 hộ. Không những thế, huyện có 7 xã thực hiện Vệ sinh toàn xã với tổng số gần 800 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Để triển khai thực hiện chương trình, huyện Cư M'gar và các xã đã xây dựng kế hoạch và giám sát chương trình như: tổ chức tập huấn cho các đối tượng; tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi sử dụng nguồn nước hiệu quả, cải thiện hành vi rửa tay, chấm dứt tình trọng phóng uế bừa bãi ra môi trường, tăng tỷ lệ người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…

Người dân xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Đến nay các xã đều đã đạt và được công nhận Vệ sinh toàn xã. Trong đó, các xã Ea Kpam, Cư M'gar, Ea Tar có tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và có chỗ rửa tay đạt từ 81% đến trên 84%, tất cả trạm y tế và trường học ở các xã đều đạt tiêu chí hợp vệ sinh. Điều đáng mừng là sau khi thấy các hộ dân xây dựng nhà tiêu bảo đảm vệ sinh, tiện lợi trong sinh hoạt nên nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức và làm theo mà không chờ sự hỗ trợ. Qua đó, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn toàn huyện tính đến cuối năm 2020 lên 32.018 hộ (đạt 78% tổng số hộ dân) và 29.612 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm 92,37%).

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam chia sẻ, trước đây, người dân quan niệm nhà tiêu là công trình phụ nên ít coi trọng hạng mục này khi làm nhà ở. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình Vệ sinh toàn xã, qua công tác tuyên truyền mọi người đã hiểu rõ và ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh, bắt đầu từ những hành động nhỏ như rửa tay trước khi ăn, rồi đến những việc khác như: xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đổ rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường…

Tương tự, huyện Krông Ana có 6 xã được hưởng lợi từ chương trình Vệ sinh toàn xã gồm: Quảng Điền, Bình Hòa, Dray Sáp, Băng Adrênh, Ea Na và Dur Kmăl với gần 900 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, địa phương còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng hai công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Ea Bông và xã Bình Hòa với tổng số hơn 2.400 hộ dân được đấu nối sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh. Trong đó, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Bông được triển khai xây dựng từ năm 2019 và đưa vào sử dụng đầu năm 2020 với chi phí đầu tư trên 13 tỷ đồng; công suất thiết kế cấp nước sạch cho gần 1.000 hộ dân ở 6 thôn, buôn trên địa bàn xã. Riêng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Bình Hòa đang được khảo sát và sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới với chi phí đầu tư khoảng 21 tỷ đồng; công suất thiết kế cấp nước sạch cho 1.400 hộ dân.

Người dân xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo UBND huyện Krông Ana, trong quá trình triển khai chương trình, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền vận động và nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân. Kết quả, tính đến cuối năm 2020, huyện Krông Ana có 14.239 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm 97,53%); 11.375 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 78%). Trong đó, xã Quảng Điền đạt  99,3% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và 95% số hộ có chỗ rửa tay; xã Bình Hòa 99,2% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và 90% số hộ có chỗ rửa tay; xã Ea Bông có trên 96% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, chương trình đã đấu nối cấp nước sạch cho 11.371/14.000 hộ; xây mới, nâng cấp, cải tạo 116/119 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; nâng cấp, sửa chữa 42/65 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 4.040/4.400 hộ; đặc biệt, thực hiện 33/30 xã theo kế hoạch đạt Vệ sinh toàn xã. Để hoàn thành mục tiêu của chương trình (giai đoạn 2016 - 2022) Trung tâm sẽ phối hợp với các xã thụ hưởng tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân về ý thức vệ sinh, sử dụng nước sạch, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, xóa bỏ tập tục sinh hoạt lạc hậu để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.