Multimedia Đọc Báo in

Đô thị Buôn Ma Thuột và bài toán rác thải nhựa

06:01, 27/03/2022

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đang đặt lại bài toán xử lý môi trường từ rác thải nhựa với TP. Buôn Ma Thuột, đặc biệt trong bối cảnh địa phương vừa trải qua giai đoạn căng thẳng dịch bệnh và mở cửa lại du lịch.

So với trước dịch, gia đình nào cũng nhận ra rất rõ: Mỗi ngày, rác thải nhựa trong nhà mỗi nhiều. Chị T.Trúc (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), một công chức thành phố chia sẻ, nếu trước đây, thùng rác gia đình chị phải sau 2 ngày mới đầy thì hiện tại, chồng chị phải phụ vợ đi đổ rác mỗi ngày. Hơn 70% lượng rác vứt đi đó là đồ nhựa. Lý do đơn giản là lo ngại dịch bệnh, mọi sinh hoạt đều hướng đến tiêu chí chỉ dùng một lần từ chai uống nước, chén, muỗng nhựa, cho đến bao bì, túi gói vật dụng, thức ăn. Đó là chưa kể đến các loại rác thải liên quan y tế, như khẩu trang y tế, khẩu trang nhựa, test kit cùng bao bì túi gói vật phẩm y tế sau khi tự xét nghiệm kháng khuẩn của mỗi người…

Tương đồng suy nghĩ của chị Trúc, nhiều người dân TP. Buôn Ma Thuột cũng cho rằng, đô thị đối diện nhiều hơn với rác thải nhựa. Một thực tế hiển nhiên là thói quen dùng túi nilon của nhiều người đã thay thế hẳn thói quen dùng các bao bì, túi bằng vật liệu tự nhiên truyền thống như lá cây, túi giỏ đan bằng tre, sợi tự nhiên… Tại các hàng quán, quầy chợ, lá gói không xuất hiện nhiều. Kể cả những loại túi sinh học tự hủy cũng không được nhiều người sử dụng. Nếu trước mùa dịch, đây là lựa chọn được phong trào chống rác thải nhựa tuyên truyền thúc đẩy, thì hiện tại đa số người dân thờ ơ.

Đô thị Buôn Ma Thuột cần chủ động xử lý môi trường từ rác thải nhựa. Ảnh: Nguyễn Gia

Anh Đặng Văn Huy, chủ trang trại Đặng Farm (huyện Cư M’gar) chia sẻ, rác thải nhựa giờ đây ngày càng phổ biến. Tại các trang trại, cơ sở sản xuất, túi nhựa, túi nilon ngày một phổ biến. Đơn cử hiện tại, chuẩn bị vào mùa trồng cà phê mới, liệu có ai kiểm đếm lại lượng túi nilon bảo quản cây non được quăng vứt ra môi trường là bao nhiêu? Sản phẩm nhựa với tính tiện lợi, nhẹ, dễ mua ngày càng được các cơ sở sản xuất thích dùng, như rổ rá nhựa, thùng đựng vật liệu nhựa… Tất cả đang tạo một áp lực rác thải nhựa lớn cho môi trường. Và trên mỗi chuyến xe chở rau củ từ ruộng rẫy về TP. Buôn Ma Thuột hằng ngày, có biết bao nhiêu là vật dụng, thiết bị liên quan đến nhựa? Tất cả đều đang được vứt bỏ, thải ra môi trường một cách dửng dưng.

Đối diện bài toán xử lý rác thải nhựa này của địa phương, có thể tham khảo các bài học mà hai đô thị Hội An, Đà Nẵng đang giải quyết.

Ở Hội An, phong trào dùng nguyên liệu tự nhiên, chống rác thải nhựa đã được duy trì nhiều năm qua. Cả thành phố vận động người dân nhập cuộc xử lý rác thải, phân loại rác tại nguồn, giảm căn nguyên liên quan rác thải nhựa. Người dân Hội An đã quen với hình ảnh truyền thống, đi chợ với giỏ tre, giỏ mây, túi đựng tái sử dụng nhiều lần... Theo đó, lượng rác thải nhựa trên đường phố và các khu dân cư, nhất là ở phố cổ ngày càng giảm. Khu vực trọng điểm Cù Lao Chàm từ lâu đã không còn tồn tại túi nilon, các loại thức ăn đều gói trong lá bàng hay lá chuối… Du khách được đặc biệt nhắc nhở không thải rác thải nhựa khi đi du lịch đến địa phương này, nếu không muốn bị phạt hành chính.

Đà Nẵng thì đang kích hoạt trở lại phong trào chống rác thải nhựa. Địa phương đã ban hành chương trình này trước mùa dịch với các động thái quyết liệt như: chính quyền, các cơ quan công sở tiên phong không dùng vật dụng nhựa; các chợ giảm thiểu túi nilon, vật dụng nhựa dùng một lần; các đoàn thể, tổ chức thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa trong cộng đồng, khu dân cư, với các hoạt động định kỳ, lịch trình nghiêm túc… Theo lãnh đạo địa phương, diễn biến dịch bệnh thời gian qua đã làm cản trở chương trình này, thực tế rác thải nhựa cũng đang gia tăng mạnh tại Đà Nẵng. Do đó, đã đến lúc địa phương kiên định quay lại chủ trương chống rác thải nhựa, nhất là trong bối cảnh bắt đầu kích hoạt lại du lịch, mở cửa du lịch quốc tế.

Thiết nghĩ, TP. Buôn Ma Thuột cần nhìn nhận bài học của các đô thị đi trước như vậy, qua đó giải trừ nguy cơ rác thải nhựa trên địa bàn, là vấn đề hết sức cấp thiết. Tái lập thói quen sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong người dân là điều kiện khả thi ở Buôn Ma Thuột. Đô thị cao nguyên còn có các lợi thế môi trường cảnh quan, đất rừng bao phủ, có diện tích vành đai xanh tự nhiên gắn kết điều kiện canh tác, đời sống người dân nên sẽ càng thuận tiện cho định hướng thiết chế một đô thị xanh hóa, giải trừ các mối nguy từ rác thải nhựa…

TP. Buôn Ma Thuột cần chú trọng phát triển các hoạt động dân sinh gắn với môi trường bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa, từ bỏ những thói quen mới trong cộng đồng liên quan rác thải nhựa.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.