Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường: Ý thức người dân là điều kiện tiên quyết

08:29, 28/08/2023

Những năm qua, huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, có hiệu quả, ý thức tự giác của người dân vẫn là điều kiện tiên quyết.

Bể chứa rác thải… chưa hiệu quả

Để hạn chế rác thải trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), huyện Cư Kuin đã xây dựng, lắp đặt 110 bể chứa bằng xi măng và bàn giao lại cho các địa phương quản lý. Tuy nhiên, việc sử dụng của các địa phương chưa phát huy tối đa hiệu quả, mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dân.

Bà Nguyễn Thị Bình (thôn 23, xã Ea Ning) cho biết, vài năm trước, địa phương cho đặt các bể chứa dọc đường và tuyên truyền người dân bỏ bao bì thuốc BVTV vào đó. Thời gian đầu, các bể chứa phát huy hiệu quả rất tốt, nhưng về sau người dân để lẫn nhiều loại rác thải khác nhau, dẫn đến tình trạng bể chứa mau đầy, người đến sau không có chỗ để nên vứt bừa bãi ở phía ngoài, gây ô nhiễm, mất vệ sinh. "Phần lớn bà con sau khi sử dụng các loại thuốc BVTV đều có thói quen tiện đâu vứt đấy. Điều đáng nói là bên trong những vỏ chai, bao bì sau sử dụng vẫn tồn đọng một lượng hóa chất còn sót lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại”, bà Bình than thở.

Người dân bỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa.

Chị H'Đen Knul (buôn Pưk Prông, xã Ea Ning) sống gần khu vực đặt các bể chứa phản ánh: “Người dân trong buôn đều được tuyên truyền về thu gom chất thải nguy hại sau khi sử dụng, để đúng nơi quy định. Tuy nhiên, nhiều người tiện đường đi qua vứt cả rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, xác động vật… vào bể thu gom vỏ, bao bì thuốc BVTV làm cho bể chứa đầy ứ rác thải, khó phân loại và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường sống của chúng tôi”.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Ning Phạm Bá Thủy, việc người dân lạm dụng các bể chứa không chỉ làm hạn chế diện tích bỏ chất thải nguy hại mà còn gây tốn kém do chi phí thu gom, xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại cao hơn so với các loại chất thải khác. Mặc dù địa phương đã nỗ lực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc BVTV đúng quy định, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý thờ ơ.

Nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân

Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu như: làm giảm diện tích, suy thoái đất, tác động đến năng suất cây trồng… Trước thực trạng đó, UBND huyện Cư Kuin đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp trong huyện triển khai thực hiện các luật, nghị định về ứng phó biến đổi khí hậu theo đúng chức năng và thẩm quyền được giao.

Huyện Cư Kuin phát động phong trào "Trồng thêm một cây xanh thêm hành động vì môi trường" gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu cho mọi tầng lớp nhân dân cũng được đẩy mạnh. Ngoài ra, huyện đã tổ chức phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đồng loạt trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tại 8 xã trên địa bàn huyện với mục đích phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nhằm thay đổi toàn diện môi trường nông thôn từ việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua sản xuất sạch.

Trong thời gian qua, một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư nhằm góp phần vào thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, như: Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa tại xã Cư Êwi; Dự án hệ thống thoát nước khu trung tâm hành chính huyện Cư Kuin; Dự án nâng cấp đập Ea M’tá; Dự án quy hoạch khu sinh thái hồ Ea Bông… Đồng thời, huyện cũng đang tập trung xây dựng Đề án phân loại đô thị trung tâm huyện lỵ Cư Kuin là đô thị loại V, trong đó chú trọng và quan tâm đến tiêu chí kiến trúc, cảnh quan đô thị gắn với công tác bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy, ngoài những thuận lợi, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện hiện vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là nhận thức bảo vệ môi trường của người dân nhìn chung còn hạn chế, tình trạng vứt rác, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp còn phổ biến. Bên cạnh đó là khó khăn về kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường.

Trước những khó khăn đó, để vừa phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần có sự đồng lòng, góp sức của toàn thể người dân trên địa bàn huyện cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.