Ô nhiễm không khí - nỗi lo hiện hữu
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khí thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt ngày càng gia tăng gây ô nhiễm môi trường không khí. Hệ quả của tình trạng này không những gây biến đổi khí hậu mà còn làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người.
Ô nhiễm không khí từ sản xuất, chăn nuôi
Những năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm không khí đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân. Trong đó, ô nhiễm không khí trong hoạt động chăn nuôi đang là mối bức xúc của nhiều hộ dân. Thực tế cho thấy, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có sự phát triển cả về tổng thể đàn và giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Trong đó, đối với loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình dù các chủ hộ chăn nuôi đã đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải tại cơ sở, song do công tác vệ sinh chuồng trại đôi lúc chưa thường xuyên, việc vận hành hệ thống thu gom, xử lý chất thải không hiệu quả và còn nhiều cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư nông thôn nên tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ vẫn xảy ra.
Đơn cử như tình trạng chăn nuôi heo của một hộ dân gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều hộ dân tại tổ dân phố 8 (phường Tân Tiến) và tổ dân phố 13 (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột); hay thời gian qua, người dân thôn 4, xã Cư Êbur nhiều lần bức xúc phản ánh đến cơ quan chức năng vì phải chịu mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi của một hộ dân nằm trong khu vực từ nhiều năm nay, thế nhưng tình trạng này vẫn cứ tái diễn, chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Một đoạn đường phủ bụi đỏ ở xã Ea Bông (huyện Krông Ana). |
Về ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất chủ yếu là ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn trốn tránh việc lập hồ sơ môi trường hoặc có lập nhưng chỉ mang tính chất đối phó với quy định về thủ tục hành chính, chưa quan tâm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như đã cam kết. Điển hình như hoạt động sấy nông sản (lúa, bắp, cà phê) đã gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ tại các khu vực xung quanh.
Một vấn đề nữa là ô nhiễm không khí do rác thải sinh hoạt tại khu vực đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung vẫn đang là vấn đề đáng quan tâm trong những năm gần đây. Hầu hết các bãi chôn lấp tập trung, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các huyện, xã chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Theo đó, rác thải được thu gom và chôn lấp thủ công, xử lý sơ bộ bằng cách phun thuốc diệt ruồi, các chất khử mùi và đốt. Riêng khối lượng rác thải khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ thấp, hầu hết rác thải sinh hoạt phát sinh được người dân tự xử lý bằng hình thức thủ công là đốt hoặc chôn lấp sau khuôn viên vườn nhà… Do đó, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng.
Mối đe dọa hiện hữu với sức khỏe
Theo số liệu quan trắc môi trường không khí tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh (Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020), chất lượng không khí không có sự biến đổi nhiều so với giai đoạn trước.
Nồng độ SO2, NO2 và CO tại hầu hết các khu vực quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép; nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP) có xu hướng tăng, nhiều điểm quan trắc thường xuyên ở mức cao, có thời điểm vượt giới hạn quy chuẩn; kết quả đo đạc tiếng ồn tại đa số các điểm quan trắc biến động xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng giới hạn.
Trong đó, đa số các điểm quan trắc chỉ số AQI bụi đều ở mức cao, nhất là tại các khu vực tập trung đông dân cư, lưu lượng giao thông lớn, nồng độ bụi nhiều thời điểm vượt giới hạn cho phép. Một số điểm thường xuyên có nồng độ bụi cao và tiếng ồn vượt giới hạn như: ngã ba Duy Hòa, chợ Buôn Ma Thuột, ngã tư Phan Chu Trinh - Lê Thị Hồng Gấm, Bùng binh Km3 (TP. Buôn Ma Thuột); trung tâm các huyện, thị xã…
Khí thải từ hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm không khí tại đô thị. Trong ảnh: Phương tiện lưu thông trên đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột). |
Mức độ ô nhiễm không khí do bụi và tiếng ồn vẫn ngày càng tăng. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng số phương tiện đơn vị đang quản lý là 1.702.399 xe (ô tô 91.201 xe, mô tô 1.532.390 xe, máy kéo 78.808 xe); trong đó, 6 tháng đầu năm 2023 đã đăng ký mới, cấp biển số cho 32.306 xe (3.338 xe ô tô, 31.968 xe mô tô và xe gắn máy). Với sự gia tăng các phương tiện xe như hiện nay, tình trạng ô nhiễm từ giao thông đô thị là vấn đề đáng quan tâm.
Trong thời gian tới, quá trình đô thị hóa, hoạt động giao thông vận tải và hoạt động công nghiệp, sản xuất, kinh doanh sẽ càng ảnh hưởng mạnh đến môi trường không khí của tỉnh. Do đó, rất cần có các dự án quy hoạch phù hợp, có những biện pháp quản lý kiểm soát và xử lý tình trạng phát thải hiệu quả để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh.
Khí thải từ hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm không khí tại đô thị với 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí. Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hằng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc