Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường nông thôn: Nông dân phát huy vai trò chủ thể

08:29, 05/09/2024

Để góp phần giữ gìn môi trường khu vực nông thôn "xanh - sạch - đẹp", hội viên nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường (BVMT).

Xây dựng các mô hình điểm

Cuối năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn” tại xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) với 120 thành viên tham gia.

Bên cạnh việc hỗ trợ rơ mooc vận chuyển rác thải, thùng nhựa để ủ phân hữu cơ cùng sọt nhựa đựng rác, hội đã trang bị kiến thức về phân loại, thu gom, xử lý rác tại nguồn cho các thành viên; tổ chức cho các chi hội, tổ hội đăng ký không có người vi phạm gây ô nhiễm môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản không an toàn.

Cán bộ Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) kiểm tra mô hình điểm "Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar.

Từ khi mô hình được thành lập, các thành viên trực tiếp thu gom rác hữu cơ tại gia đình để ủ phân. Riêng chất thải rắn được thu gom để vào thùng rác tại các thôn, sau đó tổ trưởng quản lý và phân lịch vận chuyển cho các xe chở rác đến nơi tập trung xử lý theo quy định.

Bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Súp cho hay: Từ hiệu quả hoạt động của mô hình điểm, hội nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hướng dẫn và vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại rác thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 12 mô hình nông dân tham gia BVMT nông thôn”.

Từ tháng 8/2023, mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai có sự tham gia của 600 hộ hội viên nông dân. Đến nay các thành viên đều đã thay đổi thói quen xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình. Thay vì gom chung rồi bỏ đi như trước đây, các nông hộ đều đã đào hố chứa rác tại gia đình, phân loại, sử dụng thùng chứa rác và chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón.

Ông Vũ Đăng Bình (xóm 2, thôn 14) chia sẻ: "Quy trình ủ phân bón từ rác thải hữu cơ khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng phuy nhựa có nắp đậy kín để bỏ rác thải hữu cơ và trộn với chế phẩm vi sinh theo tỷ lệ phù hợp. Mô hình này không chỉ hình thành thói quen phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn cho các nông hộ trên địa bàn, giảm lượng rác thải ra môi trường mà còn giảm đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải gia đình. Ngoài ra, khu vườn trồng cây ăn quả, rau màu của gia đình còn được sử dụng thêm nguồn phân bón sạch, thân thiện môi trường, giúp nâng cao hiệu quả canh tác”.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

Thời gian qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tạo ra thói quen BVMT trong sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày của người nông dân.

Hằng năm, các cấp hội đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước, thu gom, phân loại, xử lý chất thải, phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn hội viên nông dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.

Hội đã vận động và tổ chức cho 100% cán bộ, hội viên nông dân đăng ký tham gia BVMT; 100% hộ hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; vận động 100% cơ sở hội xây dựng mô hình về BVMT và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội Nông dân huyện Ea Súp phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật ủ phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh cho hội viên nông dân tại thôn 2, xã Ia R’vê.

Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các cấp hội phát huy vai trò nòng cốt trong việc BVMT nông thôn gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình hội nông dân tham gia BVMT nông thôn như “Sạch nhà, sạch vườn, sạch ruộng nương”, “Bể thu gom rác thải bảo vệ môi trường”, “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”…

Hiện nay, toàn tỉnh có 187 mô hình hội nông dân tham gia BVMT nông thôn, 12 mô hình sản xuất theo hướng an toàn sinh học gắn với chuỗi giá trị nông sản và BVMT.

Thực tế cho thấy, để công tác tuyên truyền BVMT nhận được sự đồng tình, tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người nông dân, đòi hỏi phải có kế hoạch tổ chức bài bản, cụ thể, chi tiết; phải gắn với nhu cầu thực tế đời sống sinh hoạt, sản xuất của từng hội viên, nông dân, gia đình, địa bàn và cần sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Văn Dũng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác BVMT, đặc biệt là môi trường nông thôn, trong gian tới, hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức về môi trường. Cùng với đó là khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình BVMT, khoanh vùng khu trồng trọt, chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc