Multimedia Đọc Báo in

Dạy trẻ bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ

08:13, 23/09/2024

Dạy trẻ bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ, thiết thực là cách mà nhiều trường học, gia đình đã thực hiện để giúp các em nâng cao ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Phân loại rác thải

Bắt đầu đưa vào hoạt động từ năm học 2021 – 2022, mô hình măng non “Phân loại rác thải” của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Buôn Ma Thuột) đã góp phần giảm bớt lượng rác vứt bừa bãi tại các phòng học, hành lang và sân trường; đồng thời nâng cao ý thức của học sinh về việc bảo vệ môi trường.

Theo đó, ở mỗi dãy lớp học được bố trí thùng phân loại rác thải là: rác hữu cơ (thức ăn thừa, lá cây…), rác tái chế (chai nhựa, giấy, bìa cứng…); rác thải khác (vỏ bánh kẹo, chai thủy tinh…) thay thế cho thùng rác thông thường. Bắt đầu triển khai kế hoạch, nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác cho học sinh trong các tiết chào cờ, hoạt động ngoại khóa…

Cô Bùi Thu Hương, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai mô hình, nhà trường gặp không ít khó khăn vì các bạn tuổi còn nhỏ nên ham chơi, mau quên nên vẫn còn phân loại sai hoặc vứt rác bừa bãi trong khu vực sân trường, hành lang… Để cải thiện tình trạng này, tôi đã phân công cho Ban chỉ huy liên đội thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học sinh thực hiện mô hình và nêu gương cho các bạn trong lớp thực hiện theo. Chỉ sau hơn hai tháng, các em đều đã tự giác, có ý thức thực hiện tốt”.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Buôn Ma Thuột) làm ra các sản phẩm STEM từ rác tái chế.

Sau khi phân loại, với rác hữu cơ, toàn bộ sẽ được sử dụng để làm phân bón cho cây trồng trong khuôn viên trường. Phần rác thải như chai nhựa, lon, giấy, vỏ hộp sữa… sẽ được nhà trường bán cho các điểm thu mua phế liệu và công ty tái chế. Trong năm học 2022 – 2023, nhà trường đã thu được hơn 15 triệu đồng, dùng để tặng 12 thẻ bảo hiểm y tế và nhiều phần quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường và đơn vị kết nghĩa là Trường Tiểu học Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột).

Bên cạnh đó, các học sinh còn tận dụng rác thải để tạo ra nhiều sản phẩm STEM độc đáo. Em Cao Kim Ngân, học sinh lớp 4D bày tỏ: “Từ những chai nhựa cũ, bìa cứng, giấy nháp…, em và các bạn trong trường đã làm ra được nhiều sản phẩm như mô hình địa chất, máy lọc nước, vẽ tranh Đông Hồ trên bìa cứng… được ứng dụng trong các tiết học Địa lí, Toán, Khoa học tại trường. Nhờ có mô hình “Phân loại rác thải” mà ý thức bảo vệ và cải tạo môi trường của chúng em ngày càng được nâng cao; biết cách giữ gìn vệ sinh chung và thêm yêu trường học”. Không chỉ được sử dụng trong học tập, nhà trường còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động trưng bày và bán đấu giá các sản phẩm STEM nhằm xây dựng Quỹ học bổng "Tiếp sức đường dài" cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Mô hình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết về các loại rác và cách thức xử lý đối với từng loại rác gây nguy hại đối với môi trường. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và triển khai thêm nhiều hoạt động mới như tham quan, trải nghiệm tại các vườn trồng cây xanh, mô hình chăn nuôi hữu cơ; tổ chức các cuộc thi về chủ đề bảo vệ môi trường… để góp phần nâng cao ý thức cho học sinh và xây dựng một môi trường học tập xanh, sạch, đẹp”.

“Biến” rác thải nhựa thành chậu cây

Đồ nhựa mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống của con người nhưng kéo theo đó là việc quá nhiều chai, ly nhựa dùng một lần bị thải ra môi trường. Nhận thức được điều đó, chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã “tái sinh” rác thải nhựa thành những chậu cây để trang trí trong nhà.

“Mỗi ngày, gia đình tôi dùng ít nhất từ 5 – 7 ly, chai nhựa. Thay vì vứt bỏ, tôi đã tìm tòi, học hỏi và biến chúng thành những chậu hoa, cây cảnh. Cách làm này vừa khiến ngôi nhà trở nên đẹp hơn, vừa tiết kiệm được chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Thích thú với những sản phẩm đó, các con cũng bắt đầu mang theo chai nhựa dùng ở trường về để nhờ mẹ hướng dẫn làm chậu hoa”, chị Hạnh cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hạnh hướng dẫn con làm chậu cây từ ly, chai nhựa đã qua sử dụng.

Theo chị Hạnh, chậu cây làm từ rác thải nhựa vô cùng đơn giản với các bạn nhỏ, tuy nhiên cần phải chú ý khi đục lỗ thoát nước vì quá trình này sẽ phải sử dụng thanh sắt nung nóng nên các em cần phụ huynh giúp đỡ. Chai, ly, hộp nhựa sau khi được rửa sạch, phơi khô sẽ được chị Hạnh đục lỗ thoát nước và thêm đất trộn cùng xơ dừa, mùn cưa… để trồng cây.

Con gái chị Hạnh, em Nguyễn Thị Mỹ Kim (6 tuổi) vui vẻ bày tỏ: “Khi mang cây đến lớp tặng các bạn, ai cũng khen em khéo tay và muốn học cách làm như vậy. Nhiều bạn trong lớp còn sáng tạo trồng cây vào nhiều loại rác thải khác như hộp xốp, hộp bút hỏng…”.

Không mất quá nhiều thời gian, chi phí, chỉ cần có ý tưởng và một chút sáng tạo, những rác thải tưởng chừng như bỏ đi đã trở nên ý nghĩa hơn. Việc giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ nên bắt đầu từ những hành động nhỏ khiến trẻ thích thú và ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.