Không nên đổi tiền mới qua mạng xã hội
Để mừng tuổi, đi chùa đầu năm mới, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân tăng mạnh trong thời điểm trước Tết Nguyên đán, vì thế nên dịch vụ đổi tiền tự phát hoạt động mạnh, dù đây là hành vi bị cấm.
Ghé một số phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để đổi một ít tiền lẻ mới, phóng viên đều nhận được những cái lắc đầu. Nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không in tiền mới nên lượng tiền mới chủ yếu huy động từ các chi nhánh hoặc tận dụng nguồn tiền mới được cung ứng thay thế tiền cũ, nhưng cũng không còn nhiều. Người trong ngành hay khách hàng quan trọng cũng chỉ đổi được rất ít, thậm chí không đổi được.
Trong khi đó, dịch vụ đổi tiền mới trên mạng Internet lại rất dễ dàng. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm là “đổi tiền lẻ”, “đổi tiền mới” thì có rất nhiều bài viết quảng cáo liên quan, với những lời mời chào hấp dẫn trên các trang mạng xã hội. Các chủ tài khoản còn cam kết bảo đảm giao hàng tận nơi, tiền mới 100% nguyên seri, số lượng nhiều, mức phí thấp. Tuy nhiên, các tài khoản này không đăng phí đổi tiền mà chỉ cho số điện thoại liên hệ trực tiếp hoặc tương tác qua Facebook, Zalo. Theo tìm hiểu, mức phí đổi tùy theo mệnh giá, số lượng tiền cần đổi. Thời điểm này, mức phí đổi với tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng dao động từ 5 - 8%, tiền từ 1.000 - 2.000 đồng từ 10 - 15%. Riêng với nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, như đổi từ 10 triệu đồng trở lên thì mức phí ưu đãi hơn, dao động từ 2,5 - 4%... Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, một số trang còn quảng cáo đổi cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ "độc", "lạ" của tờ tiền.
Dễ dàng được đáp ứng nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ, nhưng người cần đổi tiền có thể gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là những trường hợp giao dịch qua mạng. Có người khi nhận về cọc tiền bị rút ruột, không đúng seri, trộn lẫn tiền cũ, thậm chí tiền giả… Bị thiệt hại, nhưng người dân không được bảo đảm quyền lợi, khó khiếu nại.
Khi có nhu cầu đổi tiền, người dân nên đến giao dịch ở các ngân hàng. (Trong ảnh: Hoạt động giao dịch tại một đơn vị của Agribank Đắk Lắk). |
Theo quy định, ngoài các đơn vị thuộc hệ thống ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Từ nhiều năm nay, NHNN cũng đã nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền nhằm hưởng chênh lệch. Theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP (Nghị định số 88) xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng chênh lệch, thu phí đổi tiền là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng, tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Để phục vụ nhu cầu của người dân trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, NHNN Chi nhánh Đắk Lắk đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tốt công tác an toàn kho quỹ; triển khai cung ứng đầy đủ về số lượng, cơ cấu các loại tiền đưa ra lưu thông, lưu thông các loại tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống và thực hiện nghiêm tỷ lệ chi tiền mặt loại 500.000 đồng ra lưu thông; không để tình trạng thiếu, khan hiếm tiền mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán; triển khai kịp thời các thông báo về xuất hiện tiền giả loại mới; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác phòng, chống tiền giả.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc