Phát hiện, xử lý hơn 146.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Sáng 17/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, toàn quốc xảy ra 58.086 vụ tội phạm về trật tự xã hội (tăng 0,07% so với năm 2022). Nổi lên là nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng gây thiệt hại trên diện rộng; nhóm tội phạm có nguyên nhân diễn biến xã hội phức tạp; tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng, hành vi chống đối manh động…
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, khám phá 44.733 vụ tội phạm về trật tự xã hội, triệt phá 126 băng nhóm tội phạm phạm có tổ chức; vận động tự thú, thanh loại 4.511 đối tượng truy nã.
Đồng thời, phát hiện và xử lý 4.452 vụ phạm tội về kinh tế, 868 vụ phạm tội về tham nhũng, 659 vụ phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm; khởi tố 24.889 vụ phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 1.000 kg heroin, cần sa và hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp…
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Trong năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn diễn ra phức tạp trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển, bưu điện quốc tế…
Trong địa bàn nội địa, gia tăng các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính, chuyển phát để buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, Ban Chỉ đạo 389 và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, năm 2023, các đơn vị chức năng của cả nước đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 14.570 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nghe các bộ, ngành, địa phương phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, như: kết quả đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vụ việc sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu… còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ; công tác nắm bắt tình hình, dự báo chiến lược có lúc chưa theo kịp diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm; vẫn còn tình trạng một số đơn vị, địa phương vi phạm, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; công tác phối hợp của một số bộ, ngành ở Trung ương cũng như sở, ngành ở địa phương thiếu chặt chẽ, việc trao đổi thông tin, tình hình tội phạm còn hạn chế…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong phòng chống tội phạm; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Báo QĐND) |
Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị, địa phương mình quản lý; củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm; tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chính sách, pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh công tác phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để hạn chế các hành vi lợi dụng, lôi kéo vi phạm pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao; cần có cơ chế thu thập thông tin kịp thời, phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc