Cần đảm bảo quyền lợi cho học viên và cơ sở đào tạo lái xe ô tô khi nghỉ học, thôi học
Người học lái ô tô hiện không được đảm bảo quyền lợi khi nghỉ học tạm thời, còn cơ sở đào tạo bị thiệt hại về lưu lượng theo các quy định pháp luật hiện hành.
Điều 8 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định: “2. Trong thời hạn trên 01 (một) năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới”.
Nay, Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 1/6/2024, bổ sung “3. Quá thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra hoặc xét cấp chứng chỉ kết thúc khóa học mà học viên không đủ điều kiện cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới”.
Học viên lái xe Trường Trung cấp Tây Nguyên thực hành trên cabin điện tử. Ảnh: Gia Nguyên |
Với hai quy định này, qua 1 năm, dù xin nghỉ học tạm thời hay tự thôi học, kết quả học tập (nếu có) sẽ không được bảo lưu. Lý do, nguyên nhân dẫn đến việc người học “không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp” hay “không đủ điều kiện cấp chứng chỉ sơ cấp” hoàn toàn không được xét đến, dù khách quan hay chủ quan. Đồng thời, học viên sẽ “phải đào tạo lại theo khóa học mới” tức thực tế là bị buộc thôi học ở khóa cũ.
Trong khi đó, quy định về đào tạo trình độ sơ cấp trong giáo dục nghề nghiệp, mà đào tạo lái xe là một thành phần, thì ngược lại.
Theo quy định của Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH, người học trình độ sơ cấp có quyền được nghỉ học tạm thời trong các trường hợp sau:
1. Được điều động đi làm nghĩa vụ quân sự, công an nghĩa vụ, thanh niên xung phong;
2. Bị ốm đau hoặc tai nạn phải điều trị dài ngày, nhưng phải có giấy xác nhận của bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền;
3. Vì nhu cầu cá nhân.
Trong đó, khi nghỉ học tạm thời vì nhu cầu cá nhân thì phải học ít nhất 1 mô-đun, tín chỉ hoặc một kỳ học, đợt học tại cơ sở đào tạo và không thuộc trường hợp bị buộc thôi học.
Không có quy định nào về thời hạn nghỉ học. Khi muốn đi học tiếp trở lại, người học cần báo trước ít nhất 5 ngày làm việc cho cơ sở đào tạo, trước khi bắt đầu kỳ học, đợt học mới. Đồng thời, “Thủ tục nghỉ học tạm thời, được bảo lưu kết quả đã học và việc trở lại học tiếp do người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp quy định cụ thể và phải thông báo công khai tại cơ sở đào tạo sơ cấp”.
Như vậy, không như học viên lái xe ô tô, người học các nghề trình độ sơ cấp khác được nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập dài hơn 1 năm. Chẳng hạn, thời gian đi làm nghĩa vụ quân sự là 24 tháng, nếu vì nhu cầu cá nhân như đi học đại học ở nước ngoài sẽ là 4 - 5 năm, thậm chí có thể đến 10 năm như nghiên cứu sinh.
Cũng theo Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH, các trường hợp bị buộc thôi học gồm: (1) bị kỷ luật ở mức buộc thôi học và (2) đã hết thời gian đào tạo tối đa đối với chương trình đào tạo. Trong đó, thời gian đào tạo tối đa do người đứng đầu cơ sở đào tạo quy định và không vượt quá hai lần so với thời gian của chương trình đào tạo.
Như vậy, có thể hiểu trừ khi bị kỷ luật, nếu người học không làm đơn tạm nghỉ học và không hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian tối đa thì mới bị buộc thôi học. Nếu có làm đơn tạm nghỉ học trong hạn thời gian tối đa thì vẫn được tính là trường hợp nghỉ học tạm thời.
Thời gian đào tạo lái xe ô tô dài nhất là 5 tháng, khi học mới hạng C, nếu quy định thời gian đào tạo tối đa là gấp đôi thì vẫn ít hơn so với thời hạn 1 năm nêu trên. Do đào tạo lái xe được tính theo lưu lượng người học tối đa, nên nếu chậm cho nghỉ học tạm thời hoặc chậm buộc thôi học người nào sẽ làm giảm tương ứng số người được đăng ký học mới trong thời gian đó, khi đã đạt lưu lượng. Điều này gây thiệt hại trực tiếp cho cơ sở đào tạo.
Trường hợp tự thôi học cũng phải có lý do và được phép của người đứng đầu cơ sở đào tạo. Quy định này có lẽ là để hai bên giải quyết vấn đề tài chính với nhau, chẳng hạn như đã đóng đầy đủ học phí nhưng mới chỉ học 30% chương trình thì xin thôi học, hay đã học 50% chương trình mà mới chỉ đóng 30% học phí…
Rõ ràng, hai quy định trong đào tạo lái xe ô tô nêu trên ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của học viên, cũng như cơ sở đào tạo. Không những vậy, còn mâu thuẫn với các quy định về đào tạo trình độ sơ cấp trong giáo dục nghề nghiệp, vốn cũng là những quy phạm pháp luật áp dụng cho đào tạo lái xe ô tô. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có sự điều chỉnh quy định sao cho thống nhất, hợp lý và bảo đảm quyền lợi cho người học và cơ sở đào tạo lái xe ô tô.
Nguyễn Xuân Trung
(Trường Cao đẳng Huế)
Ý kiến bạn đọc