Multimedia Đọc Báo in

Nhớ đời hai lần mất kiểm soát tay lái

14:19, 02/07/2024

Hai lần mất kiểm soát tay lái do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường đẩy lái xe vào chỗ nguy hiểm khiến tôi nhớ suốt đời.

Lần thứ nhất, tôi cùng một lái xe chở 10 tấn cà phê đi TP. Hồ Chí Minh. Đến Thọ Xuân thuộc huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) khoảng 1 – 2 giờ sáng, xe bon bon lên đèo xuống dốc bình thường trước khi đổ dốc Ông Bồ (Bù Đăng).

Con dốc dài và sâu hun hút rất nguy hiểm bởi cuối dốc có nút thắt cổ chai, khuất tầm nhìn. Đa phần lái xe có tải thường dồn số về số 2 từ trên đầu dốc để ghì xe lại (thắng số) và khi đổ dốc dài sẽ ít phải dùng phanh (dốc dài, xe tải nặng, dùng phanh nhiều gây chai, cháy bố thắng, rất dễ mất phanh).

Lúc đó đường vắng tôi chủ quan chỉ dồn về số 4. Xe lao xuống dốc với tốc độ khá nhanh thì một điều bất ngờ đã xảy ra. Đoạn đường trước mặt đang thi công mở rộng, đất đá nham nhở và mưa như trút khiến nước chảy như suối trên mặt đường. Tôi phanh gấp nhưng không kịp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa: Trương Nhất 

Mặt đường trơn lùa chiếc xe ra khỏi tâm đường và có nguy cơ rơi xuống vực. Cậu lái xe ngồi bên hét lên "nhả phanh ra!" Tôi nhả nhẹ bàn đạp phanh nhưng không nhả hết, chân vẫn giữ phanh một lực nhẹ và tay lấy hết lái theo chiều ngược lại. Chiếc xe lại vẽ một vòng sang lề đường bên kia, lại phải nhổm cả người lên vừa đệm phanh nhẹ, vừa vặn vô lăng. Chiếc xe cứ vòng qua, đảo lại trên đường tưởng chừng sẽ văng xuống vực… Cho đến khi tôi dồn được về số 2 thì mới thở phào nhẹ nhõm biết mình vừa thoát chết. May mắn là khi đó trên đường không có người và xe nào cả…

Sau lần thoát chết ấy, tôi thường chú ý tập lái tay trái nhiều hơn bình thường. Cứ có cơ hội là tập, từ chậm cho đến nhanh dần và tập dồn số ở những nơi đường vòng, đầu dốc, quanh co nguy hiểm… Tập lái tay trái giỏi ở nhiều tốc độ khác nhau đã giúp tôi tránh được nguy hiểm rất nhiều lần sau này khi xe đổ đèo xuống dốc bị mất phanh. Khi đó tay trái lái, tay phải kéo nhẹ phanh tay giảm bớt tốc độ, rồi nhanh chóng thao tác dồn số về số thấp và thoát nạn.

Lần thứ hai là khi tôi chuyển từ xe tải sang lái xe khách. Khi ấy tôi chuyên chạy các xe chợ. Đa số chủ xe đều nghèo nên thường mua lại xe cũ kỹ, sắp hết đời. Lần đó, tôi nhận chạy chiếc xe khách 54 ghế ngồi từ Huế về Buôn Ma Thuột. Xe vừa ra khỏi hầm đường bộ Hải Vân thì gặp trời mưa to. Một chiếc xe khách ngược chiều đang cố vượt chiếc xe tải ở nơi cấm vượt. Biết “bệnh” của xe mình nên tôi chủ động phanh sớm, phanh nhẹ để dồn số, không để xảy ra tình trạng ba xe giao nhau cùng một thời điểm trên đường. Khi tôi vừa đạp phanh, chiếc xe đang chạy thẳng lập tức đâm sang bên tài khóa hết phần đường ngược chiều. Tôi ra sức bẻ vô lăng về phía ngược lại. Chiếc xe lại ngoặt về bên phụ. Mặt đường trơn trượt góp sức lùa chiếc xe của tôi đánh võng như làm xiếc trên đường. Rất may, chiếc xe khách đang cố vượt thấy xe tôi đánh võng nên ngớt ga, kịp thời nép sau chiếc xe tải để cho tôi một… khoảng sống quý giá. Và tôi, sau một hồi đánh vật, chiếc xe đã chịu nghe lời và trở lại trạng thái ổn định. Chủ xe và hành khách được một phen hú vía.

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại những pha mạo hiểm mình đã trải qua và thoát chết trong gang tấc, tôi nghiệm ra rằng: Chỉ có lái xe cẩn thận, chạy tốc độ vừa phải, hiểu “tính nết” chiếc xe của mình, cố gắng tập trung “đọc” được cả suy nghĩ, hành động của xe ngược chiều, người và phương tiện giao thông trên đường… để đưa ra những pha xử lý chính xác thì mới an toàn!

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.