Cẩn thận với nạn lừa đảo qua đặt giao hàng
Mấy ngày trước, họa sĩ C.Q.H. (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ông đặt mua một gói hàng trực tuyến và bên giao gọi báo đưa hàng tận nhà rồi thanh toán.
Khi nhân viên giao hàng đến, ông tin tưởng nhận hàng ngay và chuyển khoản qua số tài khoản mà nhân viên đưa cho. Một lát sau, nhân viên đó quay lại và báo đã giao nhầm hàng, đề nghị anh đưa hàng lại. Họa sĩ mở gói hàng kiểm tra, thấy đúng là không phải loại hàng ông đặt mua nên vui vẻ giao lại gói hàng.
Nhân viên giao hàng đưa cho ông một mã thanh toán qua tin nhắn, để ông nhắn với tổng đài giao hàng, thực hiện hủy đơn hàng không giao đúng và bên tổng đài sẽ gửi lại tiền cho ông. Tin tưởng vào phía giao nhận, ông lập tức liên hệ với phía tổng đài qua tin nhắn và được người xưng trực tổng đài hướng dẫn bấm vào một đường dẫn khai báo nhầm đơn hàng để cung cấp rõ thông tin.
Sau một lúc chờ đợi theo hướng dẫn, họa sĩ không thấy bên kia liên lạc gì, liền gọi lại số tổng đài giao hàng, nhưng đầu dây lại là một người khác, cho biết họ không hề có thao tác gì với ông cả. Khi họa sĩ gọi lại tổng đài qua tin nhắn, đầu dây kia không liên lạc được. Ông kiểm tra lại tài khoản và phát hiện trong đó chẳng còn đồng nào. Thì ra đối tượng lừa đảo đã giả vờ làm nhân viên giao nhầm hàng, để ông cả tin theo lời hướng dẫn giả mạo, bấm vào đường dẫn xâm nhập tài khoản và kẻ gian đã trộm hết tài khoản nạn nhân.
Họa sĩ C.Q.H. chia sẻ, sau khi hỏi lại bạn bè, ông mới biết đây là một trong nhiều cách thức lừa đảo qua mạng và bán hàng trực tuyến thời gian gần đây. Đã có không ít người tiêu dùng “vướng bẫy” giao hàng nhầm, chuyển khoản sai như cách ông bị lừa và tổn hại tiền bạc không ít, cùng nỗi lo lắng và bực dọc.
Cùng tình cảnh, chị Phan Quỳnh H., chủ một tiệm thời trang ở Đà Nẵng kể, mới đây chị nhận một số hàng từ đối tác, trả tiền mặt cho nhân viên giao hàng. Sau khi rời đi một lúc, nhân viên đó quay lại báo nhầm đơn, sẽ nói đối tác gửi lại hàng và đề nghị chị hủy đơn hàng bị nhầm. Nhân viên trả tiền mặt cho chị, đề nghị chị thanh toán luôn qua số tài khoản đối tác ghi trên đơn hàng cho tiện. Đọc thấy tên đối tác trong tài khoản, chị không ngần ngại chuyển tiền trước cho đối tác. Hôm sau, đối tác gọi điện thắc mắc sao lại hủy đơn hàng, chị giật mình kiểm tra, phát hiện tài khoản ngân hàng không đúng. Thì ra kẻ gian ngụy tạo tài khoản trùng tên đối tác, giả vờ nhầm hàng để chị chuyển tiền vào tài khoản gian lận. Cuối cùng, chị đã không lấy được hàng còn mất luôn tiền.
Một chuyên gia công nghệ số tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, diễn biến kinh doanh thị trường thương mại những năm gần đây rất phức tạp, nhiều cơ hội mở ra đồng thời với nhiều thách thức nảy sinh. Càng ngày kẻ xấu càng có nhiều thủ đoạn tinh vi và hiểm ác để lừa bẫy các nạn nhân, chủ yếu đánh vào hiện trạng thiếu thông tin và sự bất cẩn. Việc sử dụng các loại mã QR giả mạo, đánh tráo tài khoản của người dùng trong quá trình giao dịch qua lại, điều chỉnh thông tin hàng hóa là thủ đoạn đang rất phổ biến.
Chiêu trò giao hàng nhầm đang hiện hình chỉ là một trong số đó, thậm chí nhiều lúc đánh thẳng vào “lòng tham” con người. Có nạn nhân vì thấy có người giao hàng nhầm lập tức nhận hàng mà không kiểm tra, càng dễ sa vào cảnh bị động khiến kẻ gian thêm thuận lợi lừa đảo. Do đó, người mua bán hàng hóa tiêu dùng phải hết sức chú ý, nếu có sự phát sinh nhầm lẫn, tốt nhất không đáp ứng việc trả hàng chuyển khoản lại. Hãy giữ hàng đó, liên lạc lại với chính nơi nhận giao hàng để thông tin cho họ biết, cùng nhau xử lý đơn hàng. Tuyệt đối đừng nghe lời bất cứ ai cung cấp thông tin đặt mua hàng để lộ thông tin tài khoản cá nhân mình.
Việc sử dụng các loại mã QR giả mạo, đánh tráo tài khoản của người dùng trong quá trình giao dịch qua lại, điều chỉnh thông tin hàng hóa là thủ đoạn lừa đảo đang rất phổ biến. |
Uyên Nghi
Ý kiến bạn đọc