Sức mạnh từ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) từ lâu đã có tác động, sức lan tỏa trong việc bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại Tây Nguyên - khu vực đa dạng về thành phần dân tộc và có vị trí địa chính trị quan trọng.
Ngày 13/6/2005, Chính phủ ban hành Quyết định số 521/2005/QĐ-TTg, quy định lấy ngày 19/8 hằng năm làm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Phong trào này đã phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự gắn kết và đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, đồng thời đóng góp không nhỏ vào công tác duy trì an ninh, ổn định tình hình chính trị - xã hội tại khu vực.
Nhân lên sức mạnh từ lòng dân
Tại tỉnh Đắk Lắk, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã có những bước phát triển vượt bậc, từ cấp tỉnh đến cơ sở, với sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Nhiều mô hình tự quản về ANTT đã được triển khai, tiêu biểu như mô hình “Kết nối mạng xã hội, bình yên cho mỗi gia đình” hay “Camera giám sát ANTT”. Những mô hình này không chỉ tăng cường giám sát và phòng ngừa tội phạm mà còn tạo ra sự yên tâm trong cộng đồng. Đặc biệt, mô hình “3 an toàn về an ninh, trật tự” tại giáo xứ Kim Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) đã góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn, được Bộ Công an đánh giá cao.
Các cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực Tây Nguyên nhận bằng khen của Bộ Công an. |
Ở các khu vực có điều kiện địa lý và dân cư phức tạp như xã biên giới Thuận Hà (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với đa dạng thành phần dân tộc (chủ yếu là người Tày, Nùng, Dao) sinh sống, Thuận Hà từng đối mặt với những vấn đề về an ninh khi dự án điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 được triển khai (năm 2021 và 2022). Mâu thuẫn về việc đền bù và giải phóng mặt bằng đã bị một số thế lực thù địch lợi dụng để kích động người dân tụ tập, gây rối trật tự. Đại úy Lục Văn Vinh, Phó Trưởng Công an xã Thuận Hà cho biết, khi đó đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng, phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an huyện, các phòng chức năng của Công an tỉnh về tuyên truyền, vận động nhân dân. Mặt khác, Công an xã phát huy vai trò của các mô hình an ninh tự quản để tăng cường bám nắm địa bàn, bóc tách đối tượng; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp đối thoại trực tiếp giữa người dân với chủ đầu tư để tìm ra tiếng nói chung… Chỉ trong thời gian ngắn, những xung đột đã được giải quyết, tình hình ANTT đã được ổn định.
Tại nhiều địa phương, những người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, cựu chiến binh cũng đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, bảo vệ ANTT. Ông Điểu K’Bôi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) là một điển hình. Với vai trò là Tổ trưởng mô hình Tổ liên hộ tự quản thôn Bù Gia Rá (xã Đồng Nai Thượng), ông Điểu K’Bôi đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật và tham gia bảo vệ ANTT địa phương. Hằng năm, ông còn hỗ trợ vốn vay không lãi suất và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để các hộ nghèo trong thôn phát triển kinh tế. Nhờ đó, ông đã thành công trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp bà con hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn an ninh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.
Để phát huy tối đa hiệu quả của phong trào
Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại Tây Nguyên đã lan tỏa mạnh mẽ, với 478 mô hình và 50 điển hình tiên tiến được xây dựng và nhân rộng tại các địa phương. Những hoạt động trong phong trào đã góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống lại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Thông qua phong trào, người dân đã nâng cao ý thức pháp luật, tự giác cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, tham gia quản lý, cảm hóa đối tượng và xây dựng các mô hình tự quản; tạo nên một mạng lưới bảo vệ ANTT rộng khắp, hoạt động hiệu quả từ cấp gia đình, thôn xóm đến các cơ quan, doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp duy trì ANTT mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực. Nhờ sự chung tay của cộng đồng, hơn 44.800 nguồn tin liên quan đến ANTT đã được cung cấp cho lực lượng chức năng, giúp giải quyết 12.652 vụ việc, xử lý hơn 9.000 đối tượng. Quần chúng nhân dân còn tham gia cảm hóa, giáo dục gần 29.900 người lầm lỗi trở về với cộng đồng, tham gia hòa giải hơn 2.250 vụ mâu thuẫn và tranh chấp.
Mô hình camera giám sát an ninh trật tự của Công an xã Ea Sol, huyện Ea H'leo. |
Dù đã đạt được nhiều kết quả, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại Tây Nguyên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, và tình hình phức tạp về ANTT do những vấn đề xã hội như di cư, đất đai, môi trường, kinh tế còn khó khăn… đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư.
Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, để phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tiếp tục phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ từ phía quần chúng nhân dân. Để phong trào thực sự đi vào đời sống, việc xây dựng và phát triển các mô hình tự quản cần được chú trọng, không chỉ ở cấp địa phương mà còn từ mỗi gia đình, tổ chức xã hội.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ ANTT, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng dân cư tham gia vào công tác này. Sự đoàn kết, gắn bó của mọi tầng lớp nhân dân sẽ là sức mạnh to lớn giúp duy trì ổn định ANTT, xây dựng một Tây Nguyên phát triển bền vững.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc