Multimedia Đọc Báo in

Xây “thế trận lòng dân” từ những mô hình hợp lòng dân

08:27, 09/10/2024

Tây Nguyên có diện tích rộng lớn, đa dân tộc, đa tôn giáo, tình hình an ninh, trật tự ở Tây Nguyên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bám sát thực tiễn đời sống ở từng vùng đồng bào DTTS, các địa phương đã triển khai nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong triển khai, thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, công an các tỉnh Tây Nguyên đã tham mưu cấp ủy, chính quyền củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Sau khi Bộ Công an ban hành Hướng dẫn số 22/HD-V05-P2 ngày 23/11/2022, việc xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến đã đi vào chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia và đánh giá rõ hiệu quả để kịp thời biểu dương, nhân rộng.

Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự đã được xây dựng và phát triển, lan tỏa như: “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng”, “Công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng” của tỉnh Gia Lai; “Giáo xứ bình yên - đảm bảo an ninh trật tự” của tỉnh Kon Tum; “Khu dân cư an toàn, bình yên không có tội phạm” của tỉnh Đắk Lắk; “Mô hình 5+1” trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” của tỉnh Đắk Nông...

Cán bộ xã Ia Ake (huyện Phú thiện, tỉnh Gia Lai) thăm hỏi người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Đến tháng 12/2023, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng và duy trì hoạt động 478 mô hình, 50 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Các mô hình, điển hình có hình thức, nội dung đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: dân tộc, tôn giáo, phòng chống tội phạm, quản lý đối tượng, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

Hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp, hiệu quả hơn vào công tác bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Nhiều mô hình đã thực sự trở thành minh chứng rõ nét của “thế trận lòng dân”, được nhân rộng trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh và cả nước.

Các điển hình tiên tiến chia sẻ cách làm hay tại Hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2018 - 2024 do Bộ Công an tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, khu vực Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… để xuyên tạc, kích động tư tưởng ly khai, chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội cùng các yếu tố an ninh phi truyền thống là những thách thức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, việc xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ cần xuất phát từ đặc điểm, tình hình của địa bàn; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức phải vừa sức dân, hợp lòng dân, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS.

Cần lồng ghép các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ với việc xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến thuộc các lĩnh vực khác của đời sống xã hội gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của từng địa phương.

Lê Thành - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc