Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ: Góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ em
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Đáng chú ý, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) chú trọng và có thêm các điều, khoản để bảo vệ an toàn trẻ em, học sinh khi tham gia giao thông cũng như xử phạt người vi phạm an toàn giao thông (ATGT)…
Luật TTATGTĐB gồm 9 chương, 89 điều, quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến TTATGTĐB.
Một trong những điểm mới, tiến bộ là Luật TTATGTĐB đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông, thể hiện sự quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em. Cụ thể, tại Điều 46, Luật quy định: xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh, cảnh báo chống, bỏ quên trẻ em trên xe; xe có màu sơn theo quy định của Chính phủ; bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe; trường hợp xe chở từ 27 trẻ em có tối thiểu 2 người quản lý; người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh…
Tại khoản 3, Điều 10, quy định: khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. Điều này có nghĩa là trẻ em dưới 10 tuổi sẽ không được ngồi ghế trước ô tô, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Xe đưa đón trẻ em, học sinh phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ an toàn cho trẻ em. |
Một trong những quy định hoàn toàn mới của Luật TTATGTĐB là việc trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). Đây là lần đầu tiên nước ta luật hóa điểm của GPLX. Theo đó, Điều 58 của Luật quy định: GPLX bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người đó không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX đó; sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT theo quy định…
Bên cạnh đó, Luật TTATGTĐB nghiêm cấm các hành vi, như: điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ về bảo đảm TTATGTĐB…
Có thể thấy, Luật TTATGTĐB là cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách, bất cập thực tiễn đang đặt ra về trật tự ATGT, đồng thời cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm tính chuyên nghiệp, tạo chuyển biến trong việc bảo đảm trật tự ATGT.
Bà Phan Thị Hồng Thắng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, nhằm góp phần tuyên truyền, triển khai thi hành có hiệu quả Luật TTATGTĐB, từ ngày 5/11 đến 5/12/2024, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định về TTATGTĐB” năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các câu hỏi tập trung vào những nội dung cơ bản của Luật TTATGTĐB, từ đó sẽ giúp các thí sinh hiểu rõ hơn các nội dung của Luật, đồng thời vận dụng những kiến thức đó khi tham gia giao thông góp phần bảo đảm an toàn, ngăn chặn, hạn chế và làm giảm thiểu tai nạn giao thông…”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc