Đến Tết lại lo… pháo nổ
Cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán, tình trạng người dân, nhất là học sinh lên mạng đặt mua hóa chất về để tự chế tạo pháo trở nên phức tạp, đã có nhiều vụ nổ xảy ra gây thương tích nặng, thậm chí mất cả mạng sống.
Chưa đầy 1 tuần (từ ngày 14 - 19/12), Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 5 trường hợp bị đa chấn thương do pháo tự chế gây ra (3 trường hợp đang là học sinh cấp 2, cùng trú xã Tam Giang, huyện Krông Năng; 1 trường hợp là học sinh lớp 10, trú xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; trường hợp còn lại trú xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo).
Trong đó, em H.V.P. (14 tuổi, xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo) nhập viện lúc 22 giờ ngày 18/12, trong tình trạng dập nát bàn tay trái, bị thương ở mắt phải. Do vết thương ở tay quá nặng nên các bác sĩ phải cắt bỏ 3 ngón tay ở bàn tay trái của P. để tránh nhiễm trùng.
![]() |
Cháu P.C.H. (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) bị thương nặng ở bàn tay phải do pháo nổ. |
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Hữu Trần Hiển, Trưởng Phòng Kế hoạch – Quản lý chất lượng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, vào dịp trước, trong Tết Nguyên đán, số bệnh nhân bị thương do pháo nổ tăng đột biến, chủ yếu ở lứa tuổi học sinh. Nhiều bệnh nhân vì vết thương quá nặng đã tử vong hoặc phải phẫu thuật cắt cụt các chi, múc bỏ nhãn cầu... Điển hình như vụ nổ do pháo tự chế xảy ra tại huyện Krông Ana ngày 25/12/2022 khiến 4 cháu thương vong (2 cháu tử vong, 2 cháu bị thương nặng). Hay như trường hợp của cháu P.Đ.C. (huyện Ea Kar) bị tai nạn do pháo nổ khiến dập nát hoàn toàn xương cả hai bàn tay, phải phẫu cắt bỏ cả hai bàn tay, rất thương xót.
Theo Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tai nạn pháo nổ thường xuất phát từ việc mua, sử dụng pháo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tự ý chế tạo pháo. Mặc dù, Công an tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nhưng tình trạng vận chuyển, mua bán pháo nổ trái phép, tự chế pháo nổ vẫn diễn ra phức tạp, nhất là vào thời điểm trước Tết Nguyên đán.
![]() |
Tang vật Công an xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thu giữ tại nhà một nhóm học sinh dùng để chế tạo pháo trái phép. |
Chỉ tính từ ngày 15 - 19/12, sau 5 ngày ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 12 vụ, 57 trường hợp là học sinh chế tạo pháo nổ. Cụ thể: huyện Krông Ana có 3 vụ, 31 học sinh; huyện Cư Kuin 3 vụ, 11 học sinh; huyện Krông Bông 3 vụ, 8 học sinh; huyện Ea Súp 1 vụ, 3 học sinh; TP. Buôn Ma Thuột 1 vụ 3 học sinh; huyện Lắk 1 vụ, 1 học sinh. Qua đó, lực lượng chức năng đã thu giữ 27,3 kg hoá chất dùng chế tạo pháo; 0,41 kg thuốc nổ đã trộn; 294 quả pháo tự chế.
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội có rất nhiều đối tượng bán nguyên liệu chế tạo pháo, kèm công thức chế tạo. Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, các đối tượng buôn bán đã “ngụy trang” các loại hóa chất chế tạo pháo bằng tên gọi “phân bón cây cảnh, bộ câu cá, cám cá...", rồi live stream bán cho khách hàng. Nhiều nhất trên mạng xã hội Tiktok, Youtube. Trên mạng xã hội Facebook, Zalo cũng xuất hiện nhiều các hội, nhóm hướng dẫn chi tiết cách trộn tỷ lệ các chất hóa học để chế tạo pháo như: “Đam Mê Chế Pháo 2025, Đam Mê Chế Pháo, Lớp mầm 2025…” có rất đông thành viên.
Trước thực trạng trên, ngoài các biện pháp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đấu tranh với loại tội phạm liên quan đến pháo nổ, đặc biệt là trên không gian mạng… được các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt trong thời gian qua, người dân cần nâng cao nhận thức về hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng pháo nổ trái phép và tự chế tạo pháo gây ra. Tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu. Phụ huynh học sinh cần có biện pháp hạn chế cho trẻ sử sụng điện thoại thông minh, theo dõi, kiểm soát các nội dung trong quá trình trẻ sử dụng, có biện pháp giáo dục, răn đe kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Anh Dũng
Ý kiến bạn đọc