Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc Nghị định 168/2024/NĐ-CP
Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đang tạo ra hiệu quả tích cực.
Nghị định 168 với 4 chương và 55 điều quy định ba nhóm hành vi tăng mức tiền xử phạt, đó là: xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số; cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; hành vi gây ra tai nạn giao thông…
Trong đó, một số hành vi vi phạm có mức phạt tăng mạnh so với trước đây, đơn cử như: người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (mức cũ là 4 - 6 triệu đồng), người điều khiển mô tô, xe máy vượt đèn đỏ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (mức phạt cũ là 800.000 đồng - 1 triệu đồng)… Những thay đổi này không chỉ làm tăng tính răn đe mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Quy định xử phạt mới này được đa số người dân đồng tình ủng hộ, cho rằng việc xử phạt nghiêm khắc với những đối tượng cố tình vi phạm, xem thường quy định pháp luật về TTATGT là cần thiết nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.
![]() |
Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Tuy nhiên, việc tăng mạnh mức phạt hành chính cũng tạo ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Lợi dụng tình hình này, các trang mạng xã hội của thế lực phản động như Việt Tân, RFA, “Nhật ký yêu nước”; các trang cá nhân của phần tử thù địch, cơ hội đã đăng tải các bài viết, video, hình ảnh được cắt ghép nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật, bình luận tiêu cực và kích động chống đối việc thực thi Nghị định 168 nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Trên trang của tổ chức phản động Việt Tân vào ngày 2/1/2025 có bài: “Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông là để thưởng cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT)”; “Đồng bào đã ngán “kỷ nguyên vươn mình” của CSGT chưa?”… Các đối tượng vu vạ rằng: “… tiền phạt tăng rất cao nhưng lại không được dùng để đầu tư vào các công trình công cộng mà lại để thưởng cho CSGT; việc này là “trò” để “bù đắp ngân sách”… Hay trang RFA có video với nhiều nội dung bình luận sai lệch về Nghị định 168; một số diễn đàn mạng xuyên tạc, vu khống rằng việc tăng mức xử phạt giao thông chỉ là công cụ để “tận thu ngân sách” hoặc “làm lợi cho lực lượng công an”…
Một số đối tượng phản động với chiêu trò “lý luận” vu cáo rằng “Các quy định này chỉ nhằm thu phí”, “Quy định mới không khả thi”, “Các quy định này xâm phạm quyền tự do của người dân”, “Quy định mới không cần thiết”… Nguy hiểm hơn, chúng rêu rao việc tăng mức phạt là “hút máu dân”, “tận thu”, “bóc lột”; còn trơ trẽn cho rằng việc các cột đèn giao thông bị lỗi là “cố ý để giăng bẫy thu tiền”, buộc người dân phải nộp tiền. Nhiều đối tượng cố tình hướng dư luận từ việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 168 đến chỉ trích, tạo sự nghi ngờ, gây mất niềm tin trong nhân dân với chế độ; kích động chống phá, bôi nhọ Đảng và Nhà nước.
Đây là những luận điệu lạc lõng, mang tính xuyên tạc, vu khống, kích động gây rối nhằm tác động tiêu cực, chống phá việc thực thi Nghị định 168, phá hoại chủ trương của Đảng, hòng giảm uy tín của Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, nhất là với lực lượng công an.
Thực tế, việc tăng mức xử phạt là một trong những biện pháp để răn đe, phòng ngừa, bảo đảm an toàn giao thông. Những người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành đúng quy định pháp luật về giao thông, chấp hành tín hiệu đèn thì không bao giờ sợ bị xử phạt, phải nộp phạt. Việc xử phạt chỉ áp dụng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật về TTATGT…
Nguồn thu từ xử phạt vi phạm giao thông được dùng để đầu tư cho hạ tầng giao thông, trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT chứ không phải mục đích tư lợi như các đối tượng phản động, thù địch rêu rao vu vạ.
Thực tế đã cho thấy, sau thời gian thực hiện Nghị định 168, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, giao thông đi vào nền nếp. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số vụ tai nạn đã giảm hẳn so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhận thức tuân thủ pháp luật, ý thức văn hóa tham gia giao thông của người dân đã được nâng cao rõ rệt.
Việc xử phạt nghiêm khắc nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, hình thành cho người dân thói quen, ý thức tuyệt đối tuân thủ pháp luật là điều cần thiết để hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mọi người dân.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 168 để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, cần nhận diện rõ, tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, chống đối chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Thường xuyên giám sát các lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ có biểu hiện “nhận hối lộ”, “vòi vĩnh” người dân khi bị vi phạm về giao thông cần kiên quyết xử lý triệt để, một cách nghiêm minh, “không có vùng cấm”.
Bên cạnh đó, mỗi người dân phải trở thành những chiến sĩ xung kích, cần hết sức nâng cao ý thức cảnh giác, cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật từ các trang mạng xã hội không chính thống về Nghị định 168. Bên cạnh đó, phải tuân thủ thực hiện đúng các quy định về pháp luật an toàn giao thông, góp phần xây dựng một môi trường an toàn, văn minh, bảo đảm cuộc sống, tính mạng, sức khoẻ và tài sản của mỗi người.
Nguyễn Thanh Hoàng
Ý kiến bạn đọc