Multimedia Đọc Báo in

“Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” từ cơ sở

08:27, 09/10/2024

Giai đoạn 2018 - 2024, Bộ Công an đã ghi nhận nhiều điểm sáng, gương sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Các mô hình, điển hình tiên tiến đã góp phần quan trọng vào việc khơi dậy sức mạnh, tạo khí thế sôi nổi của các tầng lớp nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Điểm đến an toàn, thân thiện

Khu du lịch Sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam (KDL) được thành lập từ năm 2012 với tổng diện tích lên đến 17 ha nằm trên địa bàn phường Tân Hòa và xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT KDL cho hay, với định hướng ưu tiên sử dụng lao động là đồng bào DTTS tại chỗ, ngay từ những ngày đầu hoạt động, KDL đã chú trọng công tác đào tạo, hướng dẫn người lao động nâng cao ý thức kỷ luật, chủ động bảo đảm an ninh trật tự, cảnh giác trước các loại tội phạm.

Tháng 10/2021, mô hình “Khu du lịch Sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam, điểm đến an toàn, thân thiện với khách du lịch” ra đời, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người lao động thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại doanh nghiệp. Thông qua mô hình, doanh nghiệp đã kết nối mật thiết hơn với lực lượng công an, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động.

Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Khu du lịch Sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.

Khi xảy ra vụ khủng bố tại huyện Cư Kuin (11/6/2023) với nhiều đối tượng là đồng bào các DTTS tại chỗ tham gia, KDL cũng bị ảnh hưởng lớn khi nhiều khách trong nước và quốc tế hủy lịch trình tham quan, ngần ngại, lo lắng về an ninh, an toàn khi lưu trú. Trong thời điểm khó khăn ấy, chính những nhân viên người Êđê làm việc tại KDL đã trở thành nhân tố tích cực trong việc quảng bá hình ảnh con người Tây Nguyên thân thiện, hiền hòa; lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống qua từng điệu múa, lời hát, tiếng cồng chiêng, tình đoàn kết của các dân tộc anh em, tạo sức hút để khách du lịch yên tâm quay trở lại với Đắk Lắk.

Phụ nữ liên kết phòng, chống tội phạm

Thôn Tân Định (xã Tân An, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai) đã từng có thời gian là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự bởi tình trạng trộm cắp tài sản, đánh bạc, gây rối trật tự, vi phạm luật giao thông…

Được sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ xã Tân An cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đắk Pơ, Công an huyện Đắk Pơ, tháng 5/2012, Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ liên kết phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế, xã hội” được thành lập.

CLB duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng, trọng tâm là phổ biến kiến thức pháp luật, trao đổi thông tin tình hình an ninh trật tự; hướng dẫn cách thức nhận biết dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm; động viên chị em tham gia tố giác tội phạm cũng như tăng cường giáo dục con em không vi phạm pháp luật hoặc vướng vào tệ nạn xã hội. CLB còn là nơi kết nối, tập hợp chị em tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, bạo lực gia đình; giúp đỡ, cảm hóa các đối tượng trở về địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù…

Bên cạnh đó, mô hình còn được lồng ghép với các phong trào thi đua sản xuất, mở rộng chăn nuôi để tăng hiệu quả kinh tế. Đến nay, CLB đã phát triển lên 80 thành viên, cảm hóa 5 đối tượng tội phạm hoàn lương, giúp 8 hộ nghèo vay không lãi suất với số tiền 70 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm của CLB…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Chi bộ thôn Tân Định nhận xét, hoạt động của CLB góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi tình trạng trộm cắp, cờ bạc, vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; lan tỏa khí thế thi đua lao động, sản xuất, cải thiện đời sống của người dân.

Phát huy vai trò người có uy tín

Trong thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 7/2019 tại địa bàn xã Ia Chim (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) có một số đối tượng kích động, xúi giục hàng chục người dân tham gia chiếm đất trái pháp luật, có hành vi đập phá tài sản, bắt giữ cán bộ, đánh người khi Công ty Cao su Kon Tum tiến hành cưa cắt, tái canh cây cao su tại thôn Pleisar. Ông A Khoan, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, người có uy tín thôn Pleisar chia sẻ, bản thân ông là người dân tộc J’rai nên ông hiểu rõ người dân trong thôn vốn bản chất hiền lành, chịu thương chịu khó, nhưng do trình độ, nhận thức hạn chế nên dễ bị các đối tượng xấu kích động, lôi kéo.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trao quà tặng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nhân Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024.

Ông đã cùng với già làng, một số chức sắc tôn giáo và người có uy tín trên địa bàn tham gia các tổ vận động nhanh chóng tuyên truyền, giải thích cho bà con nhận ra bản chất của các đối tượng xúi giục, cầm đầu và hiểu rõ việc tham gia chiếm đất, đập phá tài sản, bắt giữ, đánh người là vi phạm pháp luật. Sự kiên trì của ông trong quá trình đến từng nhà, gặp từng người để vận động, thuyết phục đã giúp các đối tượng chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, tích cực cung cấp thông tin, phối hợp trong quá trình giải quyết vụ việc.

Sau khi tình hình ổn định, ông A Khoan tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân, từ đó vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Đối với các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù, ông cũng luôn quan tâm, gần gũi nắm bắt tâm tư, qua đó đề nghị Đảng ủy, UBND xã Ia Chim quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các đối tượng trên xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, cả 8 đối tượng từng lầm lỡ đã ổn định đời sống, trở thành những công dân tốt ở địa phương.

Hòa An – Trọng Tín


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Dấu ấn những di tích lịch sử
Đắk Lắk là vùng đất lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với nhiều di tích lịch sử. Đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và bao thế hệ tìm về, để tìm hiểu về truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.