Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Siết chặt kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn

09:33, 31/10/2023

Việc ra quân kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Krông Ana đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở địa phương.

Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 10/2023, lực lượng CSGT Công an huyện đã xử lý 1.199 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, nộp ngân nhà nước gần 2,8 tỷ đồng; trong đó có 710 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề kiểm tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Công an huyện đã chia thành nhiều tổ công tác với thành phần gồm Đội CSGT - trật tự; công an xã, thị trấn và các đội nghiệp vụ Công an huyện linh hoạt tuần tra, kiểm soát tại một điểm kết hợp tuần tra, kiểm soát cơ động, tập trung tại những tuyến đường, địa bàn giao thông có tình hình trật tự ATGT phức tạp, khu vực bến xe, kho bãi, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh ăn uống có phục vụ rượu, bia…

Chỉ tính riêng đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý trên toàn địa bàn huyện đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích từ ngày 7/10 đến 26/10/2023, CSGT huyện đã phát hiện, xử lý 73 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nộp ngân sách nhà nước hơn 380 triệu đồng.

Lực lượng CSGT huyện Krông Ana đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Quang Cường, Phó Đội trưởng Đội CSGT - trật tự Công an huyện cho hay: Quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn xuất hiện tình trạng người dân khi thấy chốt kiểm tra của lực lượng CSGT cố tình quay xe, trốn tránh, cũng có trường hợp viện nhiều lý do khác nhau hoặc gọi điện thoại nhờ trợ giúp. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp vi phạm đều được lực lượng CSGT lập biên bản, xử lý nghiêm, không nể nang, không bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.

Song song với công tác kiểm tra, Công an huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về trật tự ATGT để người dân, chủ cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn có phục vụ rượu, bia trên địa bàn hiểu, chấp hành.

Đến nay, đã có 25 chủ nhà hàng, quán ăn ở huyện ký cam kết với cơ quan chức năng trong việc nhắc nhở khách hàng không lái xe khi đã uống rượu, bia. Nhiều cơ quan, đơn vị của huyện đã yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu gương, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không tác động vào việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, tuân thủ nguyên tắc “đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Lực lượng CSGT huyện Krông Ana chú trọng kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn người điều khiển phương tiện vào ban đêm.

Với tinh thần không có “vùng cấm”, xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm của lực lượng CSGT đã tạo được sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Chị Nguyễn Thị Phương (thị trấn buôn Trấp) chia sẻ: "Hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến người chung quanh. Tôi rất đồng tình với việc ra quân kiểm soát, "mạnh tay" xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Qua đó không chỉ góp phần bảo đảm ATGT, hạn chế gây ra tai nạn mà còn phòng ngừa các hành vi khác liên quan đến rượu, bia như gây rối, bạo lực gia đình…".

Còn ông Nguyễn Quang Triều (ở xã Dray Sáp), từ ngày lực lượng chức năng làm nghiêm, siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, hễ mỗi khi uống rượu, bia ông đều gọi điện thoại cho người nhà đến đưa về, không tự ý lái xe. "Mình phải nghiêm túc chấp hành, tuyệt đối không lái xe khi đã uống rượu, bia, dù chỉ một ít", ông Triều nói.

Việc kiên quyết không bỏ qua các hành vi vi phạm về nồng độ cồn cộng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân địa phương, từ đó bước đầu tạo ra sự thay đổi về ý thức, hình thành nên văn hóa tham gia giao thông "đã uống rượu, bia - không lái xe".

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.