Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: Những bất cập cần sửa đổi
Ngày 23-11-2015, Quốc hội thông qua Luật Thống kê, ban hành kèm theo là phụ lục "Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia" (sau đây gọi là Danh mục) gồm 20 lĩnh vực với 186 chỉ tiêu. Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực đối với sự phát triển đất nước, danh mục này đã bộc lộ một số bất cập so với thực tiễn…
Trước hết phải khẳng định danh mục ban hành kèm Luật Thống kê năm 2015 đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu kiểm tra, giám sát thực hiện trong thời kỳ 2016 - 2020.
Việc thu thập tổng hợp, công bố nhanh hơn, chính xác, chất lượng hơn các chỉ tiêu đã làm cơ sở quan trọng “ngũ giác” mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp, môi trường) của Việt Nam thời kỳ 2016 - 2020 phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên qua thực tiễn thực thi, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia này cũng đã bộc lộ những bất cập. Danh mục chưa cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Một số chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tình hình thực tiễn vận động kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Hoàng Gia |
Trước biến động của thực tiễn đặc biệt là vận động của đời sống kinh tế - xã hội đã cho thấy đang còn thiếu các chỉ tiêu phản ánh sự đóng góp của kinh tế và logistics cho nền kinh tế ở tầm vĩ mô như: tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước, tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistic trong tổng quan sản phẩm trong nước…; phản ánh đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia như: tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động, tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động, số lượng dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến…); phản ánh phát triển bền vững ở cấp quốc gia như: tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều, tỷ lệ mất an ninh lương thực….
Một số chỉ tiêu thống kê trong danh mục cũng cần được sửa đổi tên hoặc loại bỏ để phù hợp với thực tiễn và các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Chỉ tiêu “tỷ lệ nghèo” cần sửa thành “tỷ lệ nghèo đa chiều” để phù hợp với mục tiêu quy định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; hay dữ liệu để tính toán chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị hiện nay không đầy đủ, không đồng nhất nên việc tính toán Chỉ tiêu “Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị” cũng không còn phù hợp, chỉ số này không khả thi trong thực tế…
Cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là cơ sở phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê quốc gia, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước, chế độ báo cáo thống kê và chương trình khác có liên quan đến hoạt động thống kê.
Đây là những cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia trên thực tiễn. Cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ kinh tế - xã hội của đất nước sẽ giúp phân tích, hoạch định và điều chỉnh chính sách vĩ mô; bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực; tạo cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm công cụ quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
Được biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trong đó có sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Hiện, dự thảo danh mục đã hoàn thiện với 222 chỉ tiêu, tăng 36 chỉ tiêu so với hiện hành.
Cử tri kỳ vọng vào những phân tích, thẩm định và quyết định sáng suốt của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội sắp tới để xây dựng ban hành được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trong đó có sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia phù hợp với tình hình mới cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc