Multimedia Đọc Báo in

Sắp xếp lại lực lượng hoạt động không chuyên trách cấp xã: Còn nhiều khó khăn

08:45, 28/11/2021

Để góp phần sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện nay HĐND, UBND tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các phương án sắp xếp, bố trí lại lực lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã cho phù hợp với quy định pháp luật Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương.

Việc sắp xếp, bố trí lại nhân sự nói chung và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các chủ thể nên trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh quy định về chức danh, số lượng, hệ số phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố và sinh hoạt phí đối với một số chức danh cán bộ cơ sở (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 146/2014/NQ-HĐND ngày 13/12/2014 và Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 của HĐND), hiện có 18 chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, gồm: Trưởng ban tổ chức, trưởng ban tuyên giáo, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng cơ sở và cán bộ văn phòng, phó trưởng công an, phó chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ kế hoạch - giao thông - thủy lợi - nông lâm nghiệp, cán bộ văn thư - lưu trữ - thủ quỹ, cán bộ phụ trách đài truyền thanh, cán bộ quản lý nhà văn hóa, cán bộ chuyên trách công tác cải cách hành chính và công an viên thường trực ở xã, phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phó bí thư đoàn thanh niên, phó chủ tịch các hội, đoàn thể (phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi, chữ thập đỏ).

Việc sắp xếp lại lực lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã đòi hỏi phải được tính toán kỹ lưỡng. (Ảnh minh họa)
Việc sắp xếp lại lực lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã đòi hỏi phải được tính toán kỹ lưỡng. (Ảnh minh họa)

Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bố trí như sau: tại cấp xã loại 1 là 27 người, cấp xã loại 2 là 25 người, cấp xã loại 3 là 24 người. Như vậy, ngoài mức tối đa theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thì ở mỗi địa bàn cấp xã còn bố trí thêm 5 người.

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố thì “Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: 1. Loại 1 tối đa 14 người. 2. Loại 2 tối đa 12 người. 3. Loại 3 tối đa 10 người”. Như vậy, so với quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP thì việc bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh dôi dư rất nhiều.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, hiện nay toàn tỉnh dôi dư 19.848 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đa số những người dôi dư chưa đủ điều kiện để giải quyết chế độ nghỉ hưu, việc hỗ trợ cho thôi việc cũng chỉ bù đắp được một phần nhỏ những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu khi bị cho thôi việc. Do đó, việc sắp xếp lại lực lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã đòi hỏi phải được tính toán kỹ lưỡng, để có phương án hợp tình, hợp lý, tránh chồng chéo.

Khó khăn tiếp theo phải kể đến là việc xác định các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP thì HĐND tỉnh có trách nhiệm quy định cụ thể chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh. Việc giao địa phương quy định chức danh mà không có hướng dẫn cụ thể khiến các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xác định chức danh.

Ngoài ra, sau khi thực hiện sắp xếp, bố trí lại lực lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ giảm số lượng lớn người làm việc, dẫn đến tình trạng một người phải gánh vác rất nhiều nhiệm vụ, tạo ra áp lực công việc cho những người đương chức.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Thiết nghĩ, để đảm bảo hiệu quả của công tác này cần thực hiện quyết liệt, phát huy tính chủ động, sáng tạo; phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, tạo đồng thuận, thống nhất cao.

Phan Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.