Multimedia Đọc Báo in

Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục

09:09, 31/10/2021

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng cao. Trong đó, có không ít vụ việc mà người phạm tội còn rất trẻ, hành vi vi phạm có cả sự đồng thuận của nạn nhân.

N. sinh năm 2003, T. sinh năm 2009 quen nhau qua mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, hai em có tình cảm yêu đương và quan hệ tình dục với nhau khi T. hơn 11 tuổi, còn N. thì hơn 17 tuổi. Lúc kết bạn, T. và N. đều không nói thật tuổi của mình; do thân hình phổng phao, nên T. trông lớn hơn tuổi.

Hai em đều nghĩ mình yêu nhau nên việc quan hệ tình dục với nhau là hoàn toàn tự nhiên và tự nguyện, không ai bị đe dọa hay bị bắt buộc quan hệ tình dục trái ý muốn. Sự việc được gia đình T. phát hiện, trình báo công an. Sau đó, N. đã bị khởi tố về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm đ Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi nghe phân tích, đánh giá, xem xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với N., tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt N. mức án 11 năm tù giam về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Đây là một hình phạt nghiêm khắc không những đối với N., mà còn để lại sự hối hận, day dứt với T. cũng như các bậc cha mẹ và những người có mặt tại phiên tòa.

Mặc dù được Hội đồng xét xử giải thích về quyền được yêu cầu N. và gia đình N. có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm hại và bù đắp về tổn thất tinh thần cho T. theo quy định tại Điều 584 và Điều 590 Bộ Luật dân sự năm 2015 nhưng mẹ T. không yêu cầu bồi thường mà còn xin bãi nại hành vi của N. đối với T. Bởi bà cho rằng trong sự việc này con mình cũng có lỗi và bản thân bà cảm thấy day dứt vì đã không dành nhiều thời gian quan tâm đúng mức khi con gái bước vào độ tuổi dậy thì; chưa giáo dục cho con về chuyện tình yêu, hôn nhân, sức khỏe sinh sản và hậu quả của việc yêu đương, quan hệ tình dục quá sớm…

Có thể thấy, những trường hợp “yêu đương” sớm như N. và T. hiện nay khá phổ biến.  Đó có thể là cảm xúc bộc phát về tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì, sự tò mò, muốn tìm hiểu, thích khám phá những thay đổi về cơ thể, muốn được làm người lớn… trong khi chưa được giáo dục, định hướng về kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Không ít cha mẹ nuông chiều con cái quá mức, đáp ứng mọi nhu cầu của con, cho con sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị hiện đại quá sớm, hoặc để con trang điểm, mặc những trang phục quá ngắn, gợi cảm, không phù hợp với độ tuổi đi đến những nơi đông người. Bên cạnh đó, vì lý do bận rộn trong công việc nên một số gia đình đã chưa quan tâm, để ý theo dõi những thay đổi của con trong giai đoạn dậy thì. Từ đó dẫn đến việc các em tự mày mò tìm hiểu trên mạng Internet; ngoài việc tiếp nhận những thông tin tốt – xấu lẫn lộn, các em còn vướng vào các mối quan hệ qua việc làm quen trên mạng xã hội.

Phổ biến kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ vị thành niên tại xã Ea Sol (huyện Ea H'leo). Ảnh: Hoàng Ân

Bên cạnh đó, thiếu hiểu biết về pháp luật khiến không chỉ các em mà cả người lớn cũng bất ngờ khi hậu quả xảy ra. Ví dụ như về tội hiếp dâm, không ít người suy nghĩ chỉ khi “dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được, hoặc dùng những thủ đoạn bỉ ổi để bắt buộc, cưỡng ép người khác quan hệ tình dục trái ý muốn của họ” thì mới phạm tội. Tuy nhiên, suy nghĩ đó chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “người nào có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi” thì cũng đều phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “bị xử phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù”.

Khoản 2 Điều 142 của bộ luật này cũng quy định những trường hợp phạm tội “có tính chất loạn luân”, “làm nạn nhân có thai”, “phạm tội 02 lần trở lên”, “phạm tội với 02 người trở lên”.. thì “sẽ bị xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm” và hình phạt cao nhất đối với tội danh này là “tù chung thân hoặc tử hình”.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục đối với trẻ, đảm bảo cho các em được phát triển một cách toàn diện thì gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần chú trọng trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, pháp luật hình sự, an ninh mạng, hôn nhân gia đình, phòng, chống xâm hại tình dục… 

Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, đặc biệt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nhằm đảm bảo lợi ích cho người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 90 và 91 của Bộ Luật hình sự năm 2015.

Bên cạnh đó, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể và thống nhất về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội trong trường hợp bị hại trong vụ án xâm hại tình dục cũng có một phần lỗi như vụ án trên. Bởi trong thực tế, có nhiều vụ án xâm hại tình dục có nguyên nhân, tính chất và mức độ như nhau, bị cáo bị truy tố về một tội danh tương tự như vụ án trên và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng tòa lại tuyên phạt các mức án khác nhau.

Bích Na

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.